Hải Dương: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa thực sự đi vào cuộc sống

Thứ hai, 07/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Trên cơ sở kế thừa, luật mới có 89 điều, 68 điều được sửa đổi, bổ sung (chiếm 76,40%) và 18 điều mới (chiếm 20,23%). Ở tỉnh Hải Dương, trước và sau khi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ quan chức năng mà nòng cốt ...
Sau 2 tháng thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi), phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa hiểu rõ và thực hiện nghiêm những quy định mới.

Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Trên cơ sở kế thừa, luật mới có 89 điều, 68 điều được sửa đổi, bổ sung (chiếm 76,40%) và 18 điều mới (chiếm 20,23%). Ở tỉnh Hải Dương, trước và sau khi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ quan chức năng mà nòng cốt là các ngành công an, giao thông-vận tải, các cơ quan thông tin đại chúng đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn chưa hiểu rõ và thực hiện nghiêm những quy định được thay đổi trong luật mới. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân cơ bản khác khiến Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa có tác dụng rõ rệt là do thiếu các nghị định, văn bản hướng dẫn dưới luật và thiếu các trang thiết bị hỗ trợ xử lý dành cho lực lượng cảnh sát giao thông.

Tuy có nhiều điều mới, điều bổ sung trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), song chỉ có một số quy định mới có ảnh hưởng rõ rệt đối với người tham gia giao thông. Đó là quy định về mức đo nồng độ cồn trong máu, khí thở đối với người điều khiển ô-tô, mô- tô; quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em dưới 6 tuổi và quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc xử lý các hành vi trên vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở. Theo phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), để xử lý hành vi người điều khiển ô-tô, mô-tô có nồng độ cồn trong máu, trước khi Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn áp dụng Nghị định 146 của Chính phủ để xử lý người vi phạm. Sau khi Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực, do chưa có nghị định hướng dẫn xử phạt nên hành vi người điều khiển ô-tô, xe gắn máy đã sử dụng bia, rượu (bị phát hiện bằng cảm quan) chỉ bị nhắc nhở với mục đích tuyên truyền là chính.

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định rất chặt chẽ về các hành vi sử dụng bia, rượu trước khi điều khiển phương tiện. Theo đó, tất cả những người điều khiển mô-tô, xe gắn máy có nồng độ cồn "vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1lít khí thở" đều bị xử lý; đối với người điều khiển ô-tô, nếu phát hiện nồng độ cồn trong máu và khí thở là sẽ bị xử lý. Việc chưa  có chế tài xử lý đã và đang dẫn đến tình trạng người sử dụng bia, rượu điều khiển phương tiện có chiều hướng gia tăng, là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông. Ngoài nguyên nhân chưa có chế tài xử phạt, việc xử lý hành vi người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn của lực lượng chức năng hiện nay còn gặp khó khăn do thiếu trang thiết bị và công cụ hỗ trợ. Toàn bộ lực lượng của phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và của công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 6 máy đo nồng độ cồn. Trong đó, phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt có 3 máy, công an các huyện Gia Lộc, Kim Thành mỗi đơn vị có 1 máy và công an TP Hải Dương có 1 máy (nhưng đã hết hạn kiểm định). Nhiều địa bàn trọng điểm về trật tự an toàn giao thông như Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh không có máy đo nồng độ cồn. Việc thiếu thiết  bị đo nồng độ cồn dẫn tới tình trạng không thể kiểm soát và xử lý được hành vi này.

Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em dưới 6 tuổi, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách hiện nay chưa được thực hiện nghiêm và lực lượng cảnh sát giao thông không thể xử lý cũng do chưa có chế tài xử phạt. Ngoài nguyên nhân trên, do người tham gia giao thông chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc cài quai mũ đúng quy định, các bậc phụ huynh còn lơ là trong việc đội mũ bảo hiểm cho con em cũng dẫn tới tình trạng vi phạm còn phổ biến. Hiện nay, các hành vi vi phạm này của người tham gia giao thông chỉ dừng lại ở việc  nhắc nhở và yêu cầu thực hiện.

Trong khi chờ các văn bản liên quan, trước hết các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức  và chuyển biến về ý thức của người tham gia giao thông. Việc sử dụng bia, rượu trước khi điều khiển phương tiện đã và đang là nguyên nhân  (chiếm khoảng 40%) gây ra các vụ tai nạn giao thông. Do đó, người dân cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tự bảo vệ bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Các nhà trường, gia đình cần nâng cao trách nhiệm trong giáo dục, bảo đảm tính mạng cho trẻ em bằng cách trang bị và đội mũ bảo hiểm cho con em mỗi khi tham gia giao thông. Ðể Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống và phát huy kết quả, ngoài ý thức của người dân còn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các ban, ngành, đoàn thể và cơ quan quản lý nhà nước liên qua.

 Theo Báo Hải Dương

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)