Sau nhiều năm không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên các tuyến sông, thì đầu tháng 5 vừa qua vụ tai nạn giao thông trên tuyến sông Cầu, khu vực thôn Lê Độ, xã Quế Tân (Quế Võ), cướp đi sinh mạng của 2 em nhỏ trong cùng một gia đình (một chưa đầy 4 tuổi, 1 mới 3 tháng tuổi), là tiếng chuông cảnh báo những nguy cơ mất ATGT đường thủy khi mùa mưa bão về
Sau nhiều năm không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên các tuyến sông, thì đầu tháng 5 vừa qua vụ tai nạn giao thông trên tuyến sông Cầu, khu vực thôn Lê Độ, xã Quế Tân (Quế Võ), cướp đi sinh mạng của 2 em nhỏ trong cùng một gia đình (một chưa đầy 4 tuổi, 1 mới 3 tháng tuổi), là tiếng chuông cảnh báo những nguy cơ mất ATGT đường thủy khi mùa mưa bão về
Được biết, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do lỗi chủ quan của chính những người tự hành nghề đánh cá bằng thuyền sắt trên sông. Trên thực tế, có rất nhiều người dân, thậm chí cả gia đình làm nghề và sinh sống ngay trên sông. Những đối tượng này hầu như không biết hoặc không mấy quan tâm đến Luật Giao thông đường thuỷ, họ hành nghề tự phát, theo kiểu “cha truyền, con nối” và luôn chủ quan, coi dòng sông như nhà của mình. Điều đó sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ khi có sự cố xảy ra và làm ảnh hưởng đến công tác bảo đảm ATGTchung. Bên cạnh đó, các bến đò ngang (còn gọi là bến chở khách ngang sông) cũng đang là mối hiểm họa tai nạn giao thông, bởi hầu hết các bến đều không bảo đảm an toàn kỹ thuật, ATGT. Thông qua công tác tổng kiểm tra phương tiện thuỷ của Đoàn kiểm tra liên ngành ở những tháng đầu năm vừa qua cho thấy: Trong tổng số 55 bến đò ngang trên toàn tỉnh có đến 24 bến bị đình chỉ hoạt động, 10 bến bị nhắc nhở và 8 bến bị lập biên bản xử phạt do không đủ các chỉ tiêu an toàn giao thông. Đây là những nguy cơ cận kề có thể xảy ra những biến cố đáng tiếc, đặc biệt là trong thời điểm mùa mưa bão đang về.
Cùng với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, tỉnh đã rất chú trọng đến việc bảo đảm ATGT trên các tuyến sông. Hàng năm, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức dạy và cấp chứng chỉ lái đò miễn phí cho tất cả các chủ đò ngang trong tỉnh. Tổ chức thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành tổng kiểm tra phương tiện thuỷ, nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Ngay tại Hội nghị bàn giải pháp bảo đảm ATGT những tháng cuối năm của Ban ATGT tỉnh vừa qua, ông Vương Hữu Truyền, Phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh đã nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, yêu cầu các huyện, thị, thành phố phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và tài sản trên các tuyến sông. Trang bị đầy đủ các phương tiện áo phao, phao tròn, phao cứu sinh cho các bến đò ngang. Thực hiện ký cam kết bảo đảm ATGT đối với tất cả các phương tiện thuỷ hoạt động trên sông, hạn chế mức thấp nhất tai nạn có thể xảy ra”. Đặc biệt trong mùa mưa bão năm nay, các đơn vị chức năng: Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Đoạn quản lý đường sông số 4, chính quyền các địa phương… đã xây dựng phương án cụ thể chuẩn bị ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra trên sông ngay từ đầu tháng 5. Thượng tá Nguyễn Đức Tân, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Thực hiện Quyết định số 191/QĐ- CA (PX13) của Công an tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, Phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm ATGT mùa mưa bão. Đồng thời phối hợp với các Phòng chức năng Công an tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sỹ Đội CSGT đường thuỷ, Công an các huyện, thành phố về điều khiển phương tiện thuỷ để phục vụ kịp thời những sự cố xảy ra trên sông trong mùa mưa bão năm nay”. Cùng với đó, ngay từ thời điểm này, lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông đường thuỷ nội địa đã tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến sông, các bến cảng bao gồm hệ thống phao tiêu báo hiệu, luồng lạch, các bến bãi, đò ngang, đò dọc, bến phà, các điểm khai thác cát… nhằm phát hiện những sai phạm, thiếu sót về hệ thống phao tiêu báo hiệu hướng dẫn luồng đi, các điểm khai thác cát được phép hay không được phép, các bến đò, bến phà có đủ tiêu chuẩn hoạt động… rồi kiến nghị kịp thời đến các đơn vị chức năng để có phương án giải quyết, khắc phục. Phòng cũng chủ động phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải lên danh sách, nắm chắc số lượng, chất lượng các phương tiện vận tải thuỷ để trưng tập ứng phó khi có sự cố hoặc tình huống bất ngờ do thiên tai, lũ lụt gây ra. Chuẩn bị mọi phương tiện sẵn sàng đáp ứng công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra bão lũ và phục vụ công tác phòng, chống lụt bão nói chung.
Mọi phương án bảo đảm ATGT đường thuỷ đã sẵn sàng, song để tránh được những sự cố đáng tiếc xảy ra thì ngay từ những người hành nghề và sinh sống trên sông, ven sông cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Luật Giao thông đường thuỷ và quá trình hoạt động trên sông trong mùa mưa bão. Như vậy mới có thể hạn chế được những thiệt hại do tai nạn xảy ra trên sông trong thời gian bão lũ nói riêng và trong cuộc sống sông nước nói chung.
Theo Báo BN