Ở Sơn La, khi đời sống ngày càng được nâng cao, người dân sắm thêm nhiều xe máy, ô-tô, hoạt động giao thông càng trở nên phức tạp, do tác động của phong tục, tập quán, trình độ dân trí, điều kiện địa hình... Thực tế phát sinh không ít tình huống và việc kiểm tra
Ở Sơn La, khi đời sống ngày càng được nâng cao, người dân sắm thêm nhiều xe máy, ô-tô, hoạt động giao thông càng trở nên phức tạp, do tác động của phong tục, tập quán, trình độ dân trí, điều kiện địa hình... Thực tế phát sinh không ít tình huống và việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông cũng đòi hỏi giữ nghiêm pháp luật, nhưng vẫn phải linh hoạt cho phù hợp tình hình.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Sơn La, có xã có tới gần một nghìn xe máy, nhiều hộ sở hữu hai đến ba chiếc xe máy. Năm 2008, toàn tỉnh có 771 ô-tô và 24.082 mô-tô đăng ký mới, nâng số lượng phương tiện lên 6.165 ô-tô và 203.526 mô-tô. Trong khi đó, không ít người dân sắm xe máy nhưng lại không học luật, thích phóng nhanh, không làm chủ tốc độ, tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Chỉ hơn 10 triệu đồng là có thể sắm được xe máy, nên đối với bà con di dân tái định cư thủy điện, được đền bù, và các hộ nông dân làm ăn khấm khá việc mua sắm không còn là điều khó khăn. Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Sơn La, nguyên nhân chủ yếu các vụ TNGT do ý thức chủ quan người điều khiển phương tiện. Nhiều trường hợp người đi xe máy không hiểu luật giao thông, đi giữa đường quốc lộ đánh võng, nghênh ngang chẳng khác khi đi đường trong bản. Một nguyên nhân khách quan khác tiềm ẩn nguy cơ TNGT là đường miền núi nhỏ hẹp, đèo dốc hiểm trở, nhiều cua, tầm nhìn hạn chế, nhiều tuyến đường ở địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa được tu bổ thường xuyên, hay bị sạt lở vào mùa mưa. Nhiều đoạn trên tuyến đường 6 chưa kẻ sơn phản quang ở tim đường, một số lái xe lại chạy ẩu, trời mù sương nên không ít vụ TNGT thảm khốc xảy ra. Chỉ trong ngày 23-1, trên quốc lộ 6, đoạn từ huyện Mộc Châu đến huyện Mai Sơn đã xảy ra bốn vụ va chạm giữa ô-tô và mô-tô làm bốn người bị thương nặng do sương mù, trời mưa phùn, đường trơn, người điều khiển mô-tô phóng nhanh. Từ khi đường sá mở rộng, đi lại thuận tiện, công trình thủy điện đang xây dựng, lưu lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ gia tăng, do đó sức ép giao thông càng lớn. Một hiện tượng phổ biến là, nhiều người mua xe nhưng ngại đi đăng ký xe vì phải về tận thành phố, chỉ khi đi đường dài bị CSGT kiểm tra, xử phạt mới chịu đi làm thủ tục, trong khi việc đăng ký xe máy đã đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây. Nhằm giảm tối đa phiền hà cho nhân dân, Phòng CSGT áp dụng nhiều biện pháp như chọn biển số tự động trên máy vi tính, làm việc ngày thứ 7 để tiếp nhận hồ sơ và trả chứng nhận đăng ký xe, tổ chức đăng ký lưu động tại các huyện. Thời gian trả đăng ký chỉ còn ba ngày; tiếp nhận và làm thủ tục hồ sơ di chuyển giảm từ bảy ngày xuống một ngày; cấp lại đăng ký, biển số rút ngắn từ 60 ngày chờ thông báo xuống còn ba ngày. Việc phân cấp đăng ký mô-tô, xe máy cho công an hai huyện xa nhất trong tỉnh là Sông Mã và Sốp Cộp đã được triển khai, theo lộ trình đến năm 2010 chuyển giao cho công an 11 huyện, thành phố giúp bà con đỡ phải đi xa, tiết kiệm thời gian đi lại, tiền bạc. Tại điểm đăng ký xe của Phòng CSGT Công an tỉnh Sơn La, chị Trần Thị Hà, ở tổ 2, phường Chiềng Lề, TP Sơn La đến đăng ký xe cho biết, bấm chọn biển qua máy vi tính vừa công bằng, bình đẳng với tất cả mọi người. Chỉ cần được hướng dẫn khai đúng mẫu, không có sai sót, 15 phút sau là có thể hoàn tất thủ tục đăng ký. Anh Bùi Công Sơn, ở tổ 7 phường Chiềng Lề nói, giờ đi đăng ký nhanh chóng, tiện lợi hơn nhiều, chỗ nào không rõ được cán bộ niềm nở, tận tình hướng dẫn. Anh góp ý, nếu phòng đăng ký đỡ chật chội, những lúc đông người đỡ ngột ngạt hơn. Ngoài ra, việc tổ chức học, thi bằng lái xe mô-tô cũng tiện lợi hơn. Không ít thí sinh là người dân tộc, ở vùng sâu, vùng xa, mù chữ vẫn có thể tham gia thi lý thuyết bằng hình thức thi vấn đáp, có xác nhận của cán bộ coi thi.
Sở dĩ năm 2008 TNGT giảm cả ba mặt là do từ đầu năm, Phòng CSGT đã đề ra mục tiêu kiềm chế, làm giảm TNGT đến mức thấp nhất trên địa bàn tỉnh, giảm phiền hà cho người dân khi đến làm việc tại đơn vị CSGT. Phòng đã triển khai nhiều kế hoạch công tác liên quan đến bảo đảm TTATGT; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông bằng áp-phích, tờ rơi, tuyên truyền trên loa đài lưu động đến tận các ngõ, xóm, khu vực đông dân cư, trên các phương tiện thông tin đại chúng... Tại các địa bàn vùng sâu, giáp biên, Phòng cử cán bộ là người dân tộc thiểu số tới từng bản tổ chức tuyên truyền cho nhân dân. Công tác giữ gìn, bảo đảm TTATGT được các sở, ban, ngành, cấp ủy chính quyền, đoàn thể địa phương vào cuộc, người dân bước đầu chấp hành tốt hơn pháp luật giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân không hiểu đúng và đầy đủ về luật giao thông, vẫn vi phạm Luật Giao thông, lỗi chủ yếu là chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, đi xe máy đèo ba, phổ biến nhất vẫn là lỗi "quên" không đội MBH (trong số 16.533 trường hợp bị xử lý năm 2008 có gần một nửa là lỗi không đội MBH). Năm 2008, cả tỉnh Sơn La xảy ra 95 vụ TNGT làm 79 người chết, 98 người bị thương; giảm 18 vụ, hai người chết, 28 người bị thương so với 2008. Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 39.053 trường hợp vi phạm; phạt tiền và nộp Kho bạc Nhà nước hơn 10 tỷ đồng; tước 1.049 giấy phép lái xe; tạm giữ 8.268 xe mô-tô; 70 xe ô-tô. So với năm 2007 phát hiện tăng 7.734 trường hợp vi phạm, 883 trường hợp tước GPLX, 4.405 trường hợp tạm giữ phương tiện. Do phương tiện gây tai nạn chủ yếu do va chạm giữa mô-tô với mô-tô và mô-tô với ô-tô; Phòng CSGT tăng cường xử lý nghiêm các đối tượng điều khiển mô-tô vi phạm Luật Giao thông. Mặc dù có nhiều cố gắng, tuy nhiên do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên lực lượng chức năng cũng khó bề kiểm soát; trong khi hiệu quả giữ gìn bảo đảm TTATGT của công an xã, bản còn nhiều hạn chế. Việc xử phạt bà con dân tộc vùng cao vi phạm Luật Giao thông gặp không ít khó khăn do người vi phạm viện ra đủ cớ để biện minh. Năm qua, Phòng gửi 1.000 thông báo đến các cơ quan, đơn vị, trường học, nơi cư trú để kiểm điểm, giáo dục người vi phạm TTATGT nhưng hiệu quả giáo dục, răn đe chưa cao vì chỉ tập trung được ở các xã ven đường quốc lộ, thị trấn, thị tứ, trong khi tỷ lệ phản hồi thấp.
Một tín hiệu khả quan trong công tác giữ gìn TTATGT ở Sơn La là dịp Tết vừa qua, TNGT tiếp tục giảm. Tuy nhiên, để TNGT giảm bền vững cả ba tiêu chí trong thời gian tới vẫn còn là thách thức. Năm 2009, Phòng CSGT Sơn La tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện Nghị quyết 32/CP của Chính phủ, như tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT để mỗi người dân có ý thức văn hóa khi tham gia giao thông, nhất là đối với các lái xe chở khách. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT nhất là các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT.
theo nhandan.com.vn