Tai nạn giao thông Quảng Nam tăng, vì sao?

Thứ bẩy, 25/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam Trương Văn Cận cho biết, trong quý I, toàn tỉnh  xảy ra  97 vụ TNGT đường bộ, làm chết 63 người, bị thương 90 người. So với cùng kỳ năm 2008,  tăng cả ba tiêu chí.
Liên tục trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Dù các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương đã vào cuộc, nhưng tình trạng TNGT  tăng vẫn chưa được kiềm chế.
Những con số "báo động.

Trong thời gian gần đây, tình hình TNGT đang "nóng lên" trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. TNGT không chỉ xảy ra tại các khu vực thành phố và  

 

Các huyện đồng bằng, mà cònxảy ra ngay các tuyến đường giao thông tại các huyện miền núi. Qua số liệu chúng tôi nắm được, trong tháng 1-2009, tình hình TNGT ở Quảng Nam tăng đột biến. Cụ thể, xảy ra 44 vụ làm chết 25 người, bị thương 35 người. So với cùng kỳ năm 2008, số vụ TNGT tăng 120%, số người chết tăng 31,6% và số người bị thương tăng 318,2%. Riêng trong  sáu ngày Tết Kỷ Sửu đã xảy ra 13 vụ TNGT, làm sáu người thiệt mạng,  17 người bị thương. Trong tháng 2, tình hình TNGT trên địa bàn  lắng xuống, nhưng đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4 này, TNGT  tăng lên. Tuần đầu tháng 4-2009, toàn tỉnh có tám người chết vì TNGT.

 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam Trương Văn Cận cho biết, trong quý I, toàn tỉnh  xảy ra  97 vụ TNGT đường bộ, làm chết 63 người, bị thương 90 người. So với cùng kỳ năm 2008,  tăng cả ba tiêu chí. Trong đó, tăng 42,6%  số vụ, tăng 12,5% số người chết và số người bị thương tăng 91,5%. Ðây là con số   tăng thiệt hại về TNGT cao nhất trong quý I, kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay.  10/18 huyện, thành phố có TNGT tăng từ hai đến ba tiêu chí... Phân tích TNGT đường bộ trong ba tháng qua cho thấy, các huyện nằm dọc theo tuyến quốc lộ 1A luôn là điểm nóng về ATGT; riêng quý I xảy ra 32 vụ TNGT làm chết 26 người, bị thương 18 người, chiếm tỷ lệ 41,26% số người thiệt mạng vì TNGT. Ba huyện Ðiện Bàn, Thăng Bình và Núi Thành  đứng đầu bảng về TNGT; trong đó, nhức nhối nhất là  huyện Núi Thành (có 12 vụ, 11 người chết) tăng gấp ba lần so cùng kỳ năm 2008. Ðiều  cần lưu ý là, phương tiện gây ra TNGT chủ yếu là  xe cơ giới. Trong đó,  số vụ do mô-tô và xe gắn máy gây ra chiếm 76,29%; xe ô-tô chiếm 17,5% số vụ... Thời gian xảy ra TNGT chủ yếu vào  buổi tối đến 24 giờ, chiếm 52,58%. Và độ tuổi người điều khiển phương tiện gây ra TNGT nhiều nhất là ở nhóm từ 18 đến 32 tuổi, chiếm 65% số vụ...

 
Nguyên nhân chủ yếu.

 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân làm số người chết vì TNGT đường bộ tăng đột biến trong những tháng đầu năm nay chủ yếu là do người tham gia giao thông chưa chấp hành quy tắc giao thông và các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Hành vi phổ biến  là: Ðiều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, chở quá tải, quá số người quy định, vượt đèn đỏ; vi phạm các quy tắc tránh, vượt và điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia...  Hầu hết, các vụ xảy ra  do yếu tố chủ quan từ phía những người tham gia giao thông, cụ thể như: đi sai phần đường 26,8%, không chú ý quan sát 14,4%, vi phạm tốc độ 13,4%; tránh, vượt sai 9,3% và do người đi bộ 5,2%...       

 
Nhiều ý kiến cho rằng, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức  công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi như tuyến quốc lộ 1A đã giải tỏa xong nhưng chưa cắm mốc, cây cối mọc lại, nhân dân che dù, làm lều quán để buôn bán. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển mạnh, hầu hết các tuyến đường ở nông thôn đã được bê-tông hóa nhưng ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông còn kém, nên TNGT ở nông thôn và các tuyến đường tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuy đã được tăng cường liên tục nhưng vẫn chưa "thấm sâu" vào các đối tượng có nguy cơ gây ra TNGT cao như thanh, thiếu niên, nên kết quả mang lại chưa được như mong muốn. Công tác cưỡng chế thi hành pháp luật chưa kiên quyết, nhất là việc xử lý người vi phạm chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe người tham gia giao thông. Do vậy, tình trạng  người điều khiển mô-tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm chở ba người trở lên có chiều hướng  tăng. Một bộ phận thanh, thiếu niên điều khiển mô-tô lạng lách, đánh võng còn diễn ra ở nhiều nơi và là đối tượng gây ra TNGT nhiều nhất, nhưng vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời.         

 
Giải pháp khắc phục.

 
Trước tình hình TNGT đường bộ tăng đột biến, mới đây, tỉnh Quảng Nam đã mở hội nghị để tìm ra các nguyên nhân và đề ra tám nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm kiềm chế TNGT. Trao đổi  ý kiến với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban ATGT tỉnh Lê Minh Ánh, cho biết, sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp đồng bộ theo Nghị quyết 32 của Chính phủ. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; đưa Luật Giao thông đường bộ đến tận cán bộ và nhân dân; nhất là các đối tượng có nguy cơ gây ra TNGT cao như: thanh, thiếu niên... nhằm nâng cao ý thức của mọi người khi tham gia giao thông. Ðặc biệt, vận động mọi người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô-tô, xe gắn máy và không uống rượu bia trước, trong khi điều khiển phương tiện xe cơ giới.

 
Mặt khác, Quảng Nam  sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí hoàn thành việc cắm biển chỉ dẫn, làm gờ giảm tốc trên các tuyến đường giao thông trọng điểm; thúc đẩy các chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên tuyến quốc lộ 1A để tránh gây ách tắc cho các phương tiện trong lưu thông. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương xác định lại và có biện pháp xử lý các "điểm đen" gây mất ATGT trên địa bàn. Ðồng thời tăng cường chống tiêu cực trong các khâu đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm. 

 
Vấn đề đặt ra ở đây là phải huy động mọi lực lượng và mọi người dân phải vào cuộc. Coi công tác bảo đảm trật tự ATGT là nhiệm vụ của toàn xã hội. Tuy nhiên, trước hết các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cần phát huy tốt vai trò, chức năng của mình  trong việc giảm TNGT. Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh và các cơ quan chức năng cần có kế hoạch  tuần tra kiểm soát liên tục và có biện pháp xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm; tránh tình trạng ra quân ào ạt- sau mỗi khi TNGT gia tăng, rồi thả lỏng vì như thế rất khó kiềm chế được TNGT một cách bền vững.
nhandan.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)