Ngành GTVT Yên Bái: Nhiều phương án chủ động phòng chống bão lũ

Thứ năm, 23/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm gần đây, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Yên Bái liên tục có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn trực tiếp đến công tác quản lý bảo trì đường bộ, đảm bảo giao thông và phân luồng trên các tuyến đường.
Những năm gần đây, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Yên Bái liên tục có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn trực tiếp đến công tác quản lý bảo trì đường bộ, đảm bảo giao thông và phân luồng trên các tuyến đường.
Nhận thức được những khó khăn đó, với phương châm chủ động phòng ngừa và nhanh chóng khắc phục, kịp thời bảo đảm giao thông trên các tuyến đường an toàn, thông suốt nên ngày từ đầu mùa mưa bão năm 2009, ngành giao thông vận tải đã chủ động kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão và đảm Bảo giao thông; đề ra các phương án cũng như dự phòng vật tư, thiết bị, nhân lực tại các vi trí xung yếu, có nguy cơ ách tắc giao thông cao.
Hệ thống giao thông tỉnh hình thành 2 khu vực rõ nét. Khu vực phía Đông bao gồm các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thành phố Yên Bái. Các công trình trên các tuyến đường chủ yếu nằm dọc theo sông, hồ dễ bị úng ngập. Khu vực phía Tây bao gồm các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ, các công trình giao thông chủ yếu qua địa hình núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp không ổn định, khi có mưa lớn thường xảy ra lũ quét gây sạt lở đất, phá hỏng các công trình giao thông. Để hạn chế những thiệt hại cho mưa lũ gây ra, ngành giao thông vận tải đã nhanh chóng xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và bảo đảm giao thông.
Trong đó, các phương án phân luồng giao thông được nghiên cứu xây dựng cụ thể. Trên quốc lộ 32, nếu ách tắc giao thông đoạn Nghĩa Lộ – Vách Kim, các phương tiện giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh Lai Châu, Lào Cai sẽ đi theo hướng đèo Khế đến km 172 (QL32) đi theo quốc lộ 37 qua thành phố Yên Bái đến km 271 (QL37) đi quốc lộ 70 về Lào Cai, Lai Châu hoặc đi theo tuyến quốc lộ 32C qua cầu Văn Phú, qua thành phố Yên Bái và đi quốc lộ 70. Trường hợp ách tắc giao thông đoạn Vách Kim – Mù Cang Chải – thị xã Nghĩa Lộ, các phương tiện giao thông đi từ Lai Châu về Hà Nội, Yên Bái đi theo tuyến quốc lộ 4C đi Lào Cai, quốc lộ 70 hoặc đi quốc lộ 279 về quốc lộ 70.
Về phương án phân luồng trên quốc lộ 37, trường hợp ách tắc giao thông đoạn km351 – km 356 (đèo Lũng Lô), các phương tiện giao thông đi huyện Phù Yên (Sơn La) sẽ đi theo hướng từ km 339 (QL37) đi quốc lộ 32 (qua đèo Khế) về ngã ba Thu Cúc đi theo tuyến quốc lộ 32B đi Phù Yên và ngược lại. Đối với các tuyến tỉnh lộ, trường hợp ách tắc giao thông tuyến đường Yên Bái – Khe Sang (tỉnh lộ 163), các phương tiện giao thông đi từ thành phố Yên Bái và các huyện lân cận đi huyện Văn Yên đi theo quốc lộ 70 đến km 68 qua đường Mậu A – Tân Nguyên và ngược lại.
Trường hợp ách tắc giao thông đường Yên Thế – Vĩnh Kiên (tỉnh lộ 170), các phương tiện giao thông từ thành phố Yên Bái đến Lục Yên đi theo tuyến quốc lộ 70 đến km 96 qua đường Khánh Hoà - Minh Xuân (tỉnh lộ 171) và ngược lại.
Ông Hoàng Công Hà - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Bảo đảm giao thông ngành cho biết: “Để chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết và bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, ngành đã chủ động thành lập các đội xung kích, thường trực 24/ 24 tại gần các khu vực xung yếu. Khi có tình huống xấu xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Bảo đảm giao thông các công ty và các đoạn được toàn quyền tự chủ khi huy động lực lượng, phương tiện cũng như các loại vật tư, thiết bị. Một nét mới trong công tác phòng chống lụt bão của ngành giao thông vận tải trong năm 2009 đó là, Sở đã chỉ đạo các các công ty, các hạt chịu trách nhiệm vận chuyển, hỗ trợ người dân qua lại các đoạn đường ngập úng. Hạn chế tối đa trường hợp người dân tự ý làm mảng, tham gia vận chuyển và thu tiền của nhân dân. Ngoài ra, ngành đã chủ động chuẩn bị 6000 lít xăng, dầu, 1000 rọ thép, 800 m3  đá hộc, 2 bộ dàn cầu thép, 10 ô tô, 7 máy xúc, 4 máy ủi. Thêm vào đó, tại mỗi công ty, ngành cũng bố trí dự phòng các biển báo, biển chỉ dẫn, rào chắn phân luồng đảm bảo giao thông”.
Trên cơ sở phương án tổ chức phòng chống lụt bão và đảm bảo giao thông đã được xây dựng, ngành giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên cầu đường; tích cực ra quân tuần tra xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, hành lang suối; chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện phân luồng; chỉ đạo các nhà thầu thực hiện đúng tiến độ thi công một số công trình với các hạng mục: móng, mố cầu, trụ cầu, tường, kè... trước lũ tiểu mãn.
Với phương châm "4 tại chỗ" cùng những phương án chỉ đạo cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, ngành giao thông vận tải Yên Bái đã sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu mà thời tiết có thể gây ra, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống trên tất cả các tuyến đường.

MP

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)