Những năm trước đây trên các tuyến QL qua Đồng Nai xảy ra nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương hàng chục người. Nguyên nhân xảy ra tai nạn, có nhiều vụ liên quan đến yếu tố kỹ thuật hạ tầng giao thông. Trước tình hình đó, Ban ATGT tỉnh Đồng Nai xác định phải thực hiện song song 3 giải pháp chính một cách tốt nhất nhằm kiềm chế và kéo giảm TNGT: Công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT; Tuần tra kiểm soát và xử phạt nghiêm minh các lỗi vi phạm trật tự ATGT và khắc phục kịp thời điểm đen. Trong đó, công tác khắc phục điểm đen được đặt lên hàng đầu. UBND tỉnh đã hết sức quan tâm công tác này và dành một phần lớn kinh phí để thực hiện khắc phục và xóa điểm đen trên địa bàn.
Tỉnh Đồng Nai có mạng lưới giao thông đa dạng, đường bộ, đường sắt, đường thủy và là cửa ngõ vào TP Hồ Chí Minh cho các phương tiện từ các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên và miền Đông. Lưu lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường bộ luôn gia tăng, hầu hết các thị xã, thành phố, khu công nghiệp nằm dọc tuyến quốc lộ: Hiện có 24 khu công nghiệp đang hoạt động cùng với trên 400 ngàn công nhân đi lại chủ yếu bằng xe 2 bánh nên tình hình giao thông ở đây rất phức tạp. Một số cầu ở các vị trí trọng yếu như cầu Đồng Nai trên QL 1A, tuy đã xuống cấp nhưng mỗi ngày phải gánh chịu 50.000 xe ô tô các loại, gần 150 ngàn mô tô… Mặc dù đã có đoàn liên ngành thường trực tại đây để điều tiết giao thông, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc trên cầu và các nút giao thông cửa ngõ TP Biên Hòa và nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn cầu vẫn hiện hữu.
Tại Km 1823 +600 trên QL 1A được xác định là điểm đen, trong vòng 5 tháng đã xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 9 người, sau khi lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, sơn gờ giảm tốc thì gần 1 năm nay đã không xảy ra TNGT chết người nào. Đường tỉnh 765 tại khu vực cầu Lang Minh, đây là đoạn đường vòng, dốc cua gấp, mặc dù đã có biển cảnh báo nhưng TNGT vẫn thường xuyên xảy ra, khi lắp đặt hộ lan mềm và sơn gờ giảm tốc, chỉnh lại độ dốc nghiêng, cũng gần một năm nay tại khu vực này chưa xảy ra một vụ TNGT nào. Hay như đường vào khu du lịch thác Giang Điền, huyện Trảng Bom đã xảy ra nhiều vụ TNGT đường bộ, đường sắt, đặc biệt là vụ xe lửa đụng ô tô chở học sinh gây hậu quả nghiêm trọng làm chết 5 em và bị thương 25 em học sinh khác. Ngay sau đó, Ban ATGT tỉnh đã cùng với chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt nâng cấp đường ngang với hệ thống tự động cảnh báo 1 với người gác chắn, sơn gờ giảm tốc, đến nay đã hơn 1 năm chưa xảy ra TNGT ở đây.
Trên QL 1A, từ khi lắp đặt 19km dải phân cách tim đường bằng trụ nhựa dẻo phản quang, trên các đoạn đường này thời gian qua đã không xảy ra TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là do nguyên nhân vượt ẩu, lấn đường.
Để khắc phục kịp thời TNGT xảy ra ở các điểm đen, hàng năm định kỳ 6 tháng và 1 năm Ban ATGT tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, các địa phương và các ngành chức năng thống kê báo cáo các điển đen theo quy định. Trên cơ sở đó Ban ATGT tổng hợp các điểm đen, phối hợp cùng Công an, Sở GTVT, địa phương tiến hành kiểm tra, thu thập số liệu, lập hồ sơ, phân tích nguyên nhân, thống nhất phương án khắc phục. Song song kiểm tra thường xuyên, phát hiện những khu vực có nguy cơ tiềm ẩn, phân loại và ưu tiên xử lý các điểm đen có nguy cơ cao. Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho tỉnh kiến nghị Cục Đường bộ VN kiểm tra, xử lý, cho phép lắp đặt trực tiếp gần 2km dải phân cách bằng trụ nhựa dẻo trên QL 1A thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc. Đây là một đoạn đường đen, TNGT xảy ra nhiều và có số lượng người chết và bị thương cao nhất trên tuyến QL 1A qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Việc khắc phục điểm đen TNGT, với các giải pháp tích cực của tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay đã góp phần giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương trên địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm 2007.
K.L