Năm 2014, Bình Ðịnh thuộc 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm trên 10% TNGT cả ba mặt. Ðây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh đạt mục tiêu giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí.
CSGT kiểm tra ô tô lưu thông trên Quốc lộ 19.
Tập trung vào địa bàn nông thôn
Những tháng đầu năm 2014, tình hình TNGT trên địa bàn nông thôn, tình trạng thanh thiếu niên đua kéo, lạng lách đánh võng gây mất ATGT có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban ATGT tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn nông thôn, xác định đây là kế hoạch có tính trọng tâm của năm 2014.
Ngoài thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên thì công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về giao thông đã được chú trọng hơn trước. Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh, ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, từ trực tiếp, trực quan sinh động đến sân khấu hóa.
Riêng CSGT tập trung tuyên truyền giáo dục đặc biệt đối với nhóm đối tượng có nguy cơ gây ra TNGT cao, tiếp tục biện pháp ghi hình xử lý nguội. Tổng cộng, CSGT đã gửi thông báo cho gần 3.300 trường hợp vi phạm đến CA các cấp và đơn vị công tác để kiểm điểm, giáo dục; gửi thông báo đến 5.701/6.038 trường hợp vi phạm bị ghi hình đến Phòng CSGT CA tỉnh xử lý. Tỉ lệ người đến thực hiện quyết định xử phạt đạt 61,7%. Nhờ vậy, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh năm 2014 nói chung và địa bàn nông thôn nói riêng đã chuyển biến tích cực. So với năm 2013, TNGT năm 2014 giảm 177 vụ (26,1%), giảm 30 người chết (12,8%) và giảm 237 người bị thương (33,2%). Riêng ở địa bàn nông thôn, TNGT giảm 31,7% số vụ, giảm 15,5% người chết và giảm 34,5% người bị thương.
Mối lo hạ tầng giao thông xuống cấp
Đại tá Mạc Văn Cuộc, Trưởng Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, CA tỉnh cho biết, hiện nay các tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi bị che khuất tầm nhìn. Mặt khác, hiện nay do tuyến QL1A, 19 đang thi công nên lượng xe qua lại các tuyến đường tỉnh nhiều thêm, càng làm cho đường mau xuống cấp hơn; trong khi cơ quan chức năng lại chậm khắc phục, sửa chữa dù CSGT kiến nghị nhiều lần. Ông Cuộc nói thêm: “Trong đêm 29.12.2014, ngay tại đoạn đường tránh từ cầu Bồng Sơn lên Hoài Ân, chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ đã xảy ra 2 vụ kẹt xe, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng sửa chữa các tuyến đường thiết yếu, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn”. Trong năm qua, đã có ít nhất 2 người chết vì TNGT liên quan trực tiếp đến nguyên nhân đường xấu.
Đại diện lãnh đạo UBND thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn cũng phản ánh các tuyến tỉnh lộ như: 636, 636B, 639, 639B, 629, 630 đang xuống cấp. Mặt đường nhỏ, hẹp, không đáp ứng nổi lưu lượng xe đi lại ngày một tăng cao như hiện nay.
Kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2014 và triển khai kế hoạch 2015 diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo: Năm 2015 phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện đảm bảo ATGT tại các địa phương, trường học. Tiếp tục làm tốt giải pháp căn cơ là tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng, đổi mới công tác tuyên truyền hơn nữa. Bên cạnh đó, thanh tra giao thông, CSGT phải tăng cường kiểm tra kiểm soát, thường xuyên ra quân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Nghiêm cấm cán bộ có con em vi phạm đi “xin xỏ” và đề nghị CA không nhân nhượng, phải làm nghiêm việc gửi thông báo người vi phạm về nơi công tác, học tập của họ. Tôi cũng đề nghị Sở GTVT khẩn trương khảo sát các tuyến tỉnh lộ để đề xuất với tỉnh phương án mở rộng, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, tuyến đường liên xã theo hướng phân cấp đầu tư từ tỉnh xuống huyện, vừa đảm bảo trật tự ATGT vừa phục vụ phát triển KT-XH. Giai đoạn 2015-2016, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề này”, Chủ tịch UBND tỉnh nói.
“Ðịa phương yêu cầu thì tỉnh cấp, nhưng chỉ sợ không dùng, để hư”
Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh, Giám đốc Sở GTVT Trần Châu nói vậy khi các địa phương đề nghị tỉnh trang bị các phương tiện phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự ATGT như máy đo nồng độ cồn, camera…
Ông dẫn chứng, năm 2013 Ban ATGT tỉnh trang bị về cho các địa phương cân tải trọng xách tay để kiểm tra, kiểm soát xe chở quá tải trọng trên địa bàn, nhưng hơn một năm qua tổng cộng chỉ cân được trên 200 lượt xe là quá ít, không phát huy hết tác dụng. “Sắp tới, tỉnh tiếp tục trang bị camera, không khéo lại rơi vào tình trạng trên. Ban ATGT tỉnh sẽ đi kiểm tra, nếu địa phương nào không sử dụng thì thu hồi về. Cái gì địa phương cần đề nghị tỉnh sẵn sàng cung cấp, chỉ sợ không sử dụng”, ông Châu nói.
|