Hiện nay, giao thông ở huyện Ngọc Hiển thuận tiện cả đường thuỷ lẫn đường bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thế nhưng, kèm theo đó là nhiều nỗi lo nguy cơ bùng phát tai nạn giao thông (TNGT) khi chướng ngại vật trên sông chưa được thanh thải dứt điểm, phương tiện cơ giới đường bộ gia tăng từng ngày mà hệ thống giao thông lại chưa hoàn chỉnh.
Theo báo cáo của Công an huyện Ngọc Hiển, trong quý I/2015, lực lượng Cảnh sát giao thông và trật tự cơ động (CSGT-TTCÐ) tổ chức tuần tra, kiểm soát 127 lượt, phát hiện 174 trường hợp vi phạm, tạm giữ 36 phương tiện và xử phạt hành chính trên 68 triệu đồng. Lỗi vi phạm nhiều nhất là điều khiển phương tiện tham gia giao thông (TGGT) đường thuỷ không có chứng chỉ chuyên môn, đi đêm không đèn chiếu sáng. Còn đường bộ là sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép khi lái xe, không đội nón bảo hiểm đúng quy cách… Những tháng đầu năm nay, toàn huyện xảy ra 1 vụ TNGT đường thuỷ, làm chết 1 người, 3 vụ va quẹt giao thông đường bộ làm bị thương 4 người.
Tăng cường kiểm tra giao thông đường bộ
Hiện tại, trên địa bàn huyện còn khoảng trên 8.000 phương tiện thuỷ nội địa, trong số đó hơn phân nửa chưa đăng ký, đăng kiểm. Và không ít người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa chưa có chứng chỉ chuyên môn.
Theo nhiều người dân địa phương, sở dĩ trước đây họ không chấp hành việc đăng ký đăng kiểm vì học thi sát hạch phải đi Cà Mau, thời gian lưu trú, chi phí ăn nghỉ, chi phí sát hạch… quá tốn kém. Gần đây, địa điểm tổ chức sát hạch tập trung về địa phương nhưng lại yêu cầu phải có thiết kế vỏ, máy mới được đăng ký đăng kiểm. Nhưng cái khó hiện nay là phần lớn phương tiện đã sử dụng thời gian dài mà thời điểm mua phương tiện họ không chú ý đến vấn đề thiết kế. Mặt khác, người dân đang chuyển sang phương tiện cơ giới đường bộ nên không còn quan tâm đến việc đăng ký đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa.
Thiếu tá Lê Hoàng Tám, Ðội trưởng Ðội CSGT-TTCÐ, Công an huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Ngoài số lượng phương tiện thuỷ nội địa, trên địa bàn huyện còn có nhiều phương tiện vận chuyển hàng hoá, hành khách công cộng và 14 bến khách ngang sông. Phần lớn các bến này chủ bến chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Thực tế, hoạt động giao thông đường thuỷ đang có chiều hướng giảm so với vài năm trước, nhưng nguy cơ TNGT vẫn rất cao, bởi hầu hết các tuyến sông trên địa bàn đều bị lấn chiếm dựng hàng đáy. Các hàng đáy đều đã hình thành từ lâu, là điều kiện mưu sinh duy nhất của không ít hộ dân nên không giải quyết được việc làm thì khó xử lý dứt điểm tình trạng đặt đáy trái phép”.
Năm 2014 là năm đầu tiên huyện Ngọc Hiển tiếp cận giao thông đường bộ. Những tháng đầu năm nay, huyện lại có thêm 4 xã, thị trấn có đường ô-tô về đến trung tâm. Hiện tại, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện đang trong giai đoạn xây dựng, không bao lâu nữa giao thông đường bộ ở huyện Ngọc Hiển sẽ phát triển rộng khắp. Tính trong quý I/2015, Ðội CSGT-TTCÐ, Công an huyện đã tổ chức đăng ký mới 363 xe, nâng tổng số xe mô tô toàn huyện hiện có trên 7.000 xe.
Theo Thiếu tá Lê Hoàng Tám, mạng lưới giao thông phát triển nhưng thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát giao thông của lực lượng CSGT-TTCÐ thiếu rất nhiều. Vì vậy, đảm bảo trật tự ATGT, lực lượng làm nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục; đồng thời, phối hợp với các ban, ngành thường xuyên tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự ATGT. Tới đây, dự báo trật tự ATGT ở Ngọc Hiển sẽ diễn biến phức tạp hơn khi hạ tầng giao thông đường bộ hoàn chỉnh. Cho nên, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện cần được hỗ trợ thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm để răn đe.