Ngày 1/6/2015, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Công văn số 1066/UBND-KTN về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Qua công tác kiểm tra, một số địa phương, đơn vị chưa triển khai nghiêm túc và quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh. Tình hình vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông và sử dụng phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện lưu hành vẫn còn diễn ra phức tạp, dẫn đến tai nạn giao thông tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và rất nghiêm trọng thường xuyên xảy ra; đến nay đã xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông, làm 33 người bị thương (giảm 18 người) và 42 người chết (tăng 09 người). Đặc biệt, trên địa bàn các huyện Ngọc Hồi, Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và thành phố Kon Tum tai nạn giao thông tăng đột biến về số vụ, số người chết so với cùng kỳ năm 2014 (huyện Ngọc Hồi xảy ra 11 vụ tai nạn, làm 10 người chết và 09 người bị thương; huyện Đăk Hà xảy ra 07 vụ tai nạn, làm 07 người chết và 07 người bị thương; huyện Đăk Tô xảy ra 06 vụ tai nạn, làm 07 người chết và 03 người bị thương; huyện Sa Thầy xảy ra 01 vụ tai nạn, làm 03 người chết và 02 người bị thương; thành phố Kon Tum xảy ra 12 vụ tai nạn, làm 12 người chết và 03 người bị thương).
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong những tháng còn lại của năm 2015, UBND tỉnh yêu cầu:
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo các đơn vị chức năng, lực lượng Công an xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm hành lang an toàn giao thông và sử dụng các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn quản lý theo đúng quy định, đặc biệt là trên các tuyến đường huyện, đường liên xã, liên thôn và các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các địa phương để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu không có giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông hiệu quả, tiếp tục để tai nạn giao thông trên địa bàn tăng cao.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông đảm bảo duy trì hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần tại Trạm kiểm soát tải trọng xe số 54 và các trạm cân lưu động trên địa bàn tỉnh, cương quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm vận chuyển hàng quá khổ, quá tải trọng của phương tiện theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị thị công trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đối với các công trình đang thi công như đường Quốc lộ 24, đường Hồ Chí Minh; tổ chức ký cam kết và đề nghị Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố ký cam kết về đảm bảo trật tự an toàn giao thông với các đơn vị xây dựng trên địa bàn; nghiên cứu, bổ sung tiêu chí về đảm bảo trật tự an toàn giao thông khi lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình.
Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ kiểm tra, xử lý kịp thời các điểm đen, đoạn đường có nguy cơ mất an toàn, dễ gây ra tai nạn giao thông, nhất là các đoạn đường đèo dốc, quanh co nguy hiểm; rà soát, bổ sung, sửa chữa hệ thống biển báo, cọc tiêu, vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc (nghiên cứu xây dựng gờ giảm tốc tại các điểm đấu nối từ các đường ngang vào các Quốc lộ, tỉnh lộ), tường hộ lan, phát quang tầm nhìn…để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu các Trung tâm đào tạo và sát hạch Giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố để mở các lớp đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe mô tô trên địa bàn các huyện, thành phố; đặc biệt là mở các lớp đào tạo cấp Giấy phép lái xe mô tô hạng A1 tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm kết hợp với công tác tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường bộ cho người dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.
Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Thanh tra giao thông để đảm bảo duy trì hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần tại tại Trạm kiểm soát tải trọng xe số 54 và các trạm cân lưu động trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe, chạy quá tốc độ, đi mô tô xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy... và bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên tại các tuyến đường, địa bàn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao như Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), Quốc lộ 24 và các Tỉnh lộ để kịp thời xử lý. Trong quá trình xử lý vi phạm, phân loại cụ thể các đối tượng vi phạm (xác định nghề nghiệp, đơn vị công tác, học tập, nơi cư trú…) để thông báo cho các cơ quan, đơn vị công tác, trường học và chính quyền địa phương biết, có hình thức giáo dục, làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng.
Chỉ đạo đội Cảnh sát giao thông tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y phối hợp với Công an huyện Ngọc Hồi tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành (độ chế, hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn kỹ thuật…) trên địa bàn huyện Ngọc Hồi.
Báo cáo kết quả điều tra, xác định nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng về UBND tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh sau 15 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn để làm cơ sở đánh giá tình hình tai nạn giao thông và có giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những nguyên nhân khách quan gây ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo lực lượng chức năng liên quan phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải thực hiện kiểm soát tải trọng xe đối với xe quân đội vận chuyển hàng hóa lưu thông trên đường bộ.
Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh - Truyền hình, Báo Kon Tum: Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét nhân rộng các mô hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông để triển khai trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, các quy định về tải trọng xe, ảnh hưởng của xe chở hàng quá tải đối với kết cấu hạ tầng giao thông; phát động quần chúng nhân dân chủ động phát hiện và phản ánh những hành vi vi phạm của chủ xe, lái xe và hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của những người thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Kịp thời biểu dương đối với tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của pháp luật và phê phán đối với những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và vi phạm các quy định về tải trọng xe./.