6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 1.153 vụ tai nạn giao thông (TNGT), giảm 208 vụ so với cùng kỳ năm 2014, số người bị thương vì TNGT cũng giảm 324 người (bằng 19,58%) so cùng kỳ năm trước.
Lực lượng Thanh tra giao thông ra quân xử lý xe quá tải
Hiệu quả
Có được những kết quả này là do tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời việc siết chặt công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh vận tải, tăng cường tuần tra kiểm soát... của lực lượng chức năng đã có tác động tích cực, tạo được niềm tin cũng như xác định được giải pháp để giảm thiểu TNGT. Song song đó, công tác thông tin tuyên truyền thường xuyên và kịp thời của các cơ quan báo, đài về tình hình trật tự ATGT, TNGT đã góp phần cảnh báo và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo đảm trật tự ATGT, phòng tránh TNGT. Công tác tuyên truyền đã được các ngành chức năng triển khai đồng bộ đến từng khu nhà trọ, từng khu phố, ấp, người lao động tại các doanh nghiệp...
Đặc biệt, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm ngày càng được tăng cường, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông, các lực lượng khác như Cảnh sát Bảo vệ và cơ động, lực lượng thanh niên xung phong, lực lượng kiểm soát quân sự, công an xã, phường cùng tham gia tuần tra và giải tỏa lòng lề đường, vỉa hè, chống ùn tắc giao thông. Theo Ban ATGT tỉnh, trong các đợt cao điểm như tết, lễ hội... lượng người và phương tiện giao thông thường tăng cao so với ngày thường, nhất là trên các tuyến đường như đại lộ Bình Dương, đường Yersin, các tuyến khu vực trung tâm của các huyện, thị, TP.Thủ Dầu Một nên CSGT đã phối hợp với các lực lượng khác chủ động bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, điều hòa giao thông, không để xảy ra ùn tắc, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt...
Tồn tại cần khắc phục
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng qua vẫn còn tồn tại những hạn chế. Đó là số người tử vong vì TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao, đã xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe container, TNGT đường sắt vẫn còn xảy ra. Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải vẫn diễn biến rất phức tạp; các hành vi vi phạm về trật tự ATGT vẫn còn xảy ra nhiều; tình trạng vi phạm trật tự ATGT đô thị, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè ở một số nơi vẫn còn tái diễn khi không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ...
Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông trong thời gian ngắn vẫn còn xảy ra tại một số giao lộ có lưu lượng xe lớn vào giờ cao điểm hay khi đèn tín hiệu giao thông không hoạt động như ngã tư 550, vòng xoay An Phú trên tuyến ĐTT743… Gần đây trên địa bàn tỉnh không còn xảy ra tình trạng đua xe trái phép nhưng vẫn còn hiện tượng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe thành đoàn, chạy tốc độ cao, lạng lách, biểu diễn... tại một số tuyến đường như ĐT743, ĐT745, đường 30-4, đường Nguyễn Tri Phương, đoạn đường từ ngã tư An Sơn đến quốc lộ 13, đường Nguyễn Thị Minh Khai và một số tuyến đường trong Khu công nghiệp Đại Đăng...
Trước tình hình này, nhằm bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp khắc phục các tồn tại và hạn chế trong thời gian tới. Theo đó, Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; nhất là các hành vi vi phạm về tốc độ; thời gian lái xe liên tục; chở hàng quá trọng tải phương tiện; sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; không tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông; không mặc áo phao khi tham gia giao thông bằng phương tiện thủy. Song song với đó là đẩy nhanh việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ; thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các vị trí có nguy cơ là điểm đen về TNGT, các vị trí mất ATGT; tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng, tổ chức giao thông, bảo đảm điều kiện an toàn về kết cấu hạ tầng cho hoạt động của phương tiện tham gia giao thông.
Nhanh chóng tổ chức khảo sát, đề xuất xử lý, thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang); điều chỉnh, bổ sung hợp lý các biện pháp tổ chức phòng vệ tại đường ngang như biển báo hiệu, cọc tiêu, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu cảnh báo tự động, bố trí người gác...; hoàn chỉnh kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang; phối hợp bảo vệ hành lang ATGT đường sắt. Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị Sở Công thương nghiên cứu quy định của pháp luật để tham mưu quy định giờ đóng cửa của các địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống và quy định quản lý các địa điểm bán rượu, bia... để áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần hạn chế TNGT...