Cuộc vận động "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước" đã trở thành phong trào rộng khắp, góp phần kéo giảm TNGT, đảm bảo trật tự xã hội.
Hậu Giang có nhiều đổi mới sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước".
Kéo giảm 65% số vụ TNGT
Hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước" do Uỷ ban ATGT Quốc gia phát động, Ban chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động xây dựng phong trào tỉnh Hậu Giang đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu, góp phần kéo giảm TNGT đường thủy.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GTVT, Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động cho biết, các mô hình “Văn hoá giao thông đường thuỷ” được quan tâm xây dựng với nhiều loại hình phong phú, đa dạng và thu hút ngày càng nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Sau 5 năm thực hiện vận động, toàn tỉnh có 73 mô hình “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” được xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó có 67 mô hình “Bến thuỷ nội địa, bến khách ngang sông văn hoá, văn minh, an toàn”; 3 mô hình “Văn hoá giao thông đường thuỷ tại khu dân cư, xóm ấp trên và ven sông kênh”; 1 mô hình “Đội xung kích tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn trên sông”; 2 mô hình “Phòng chống đuối nước ở trẻ em”. Các mô hình này góp phần nâng cao nhận thức, ý thức ứng xử có văn hoá cho người dân, tạo môi trường giao thông đường thuỷ văn minh, thân thiện.
Qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước", tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có những chuyển biến tích cực. Từ năm 2011 – 2015, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết 5 người và bị thương 1 người. So với 5 năm liền kề (2006 - 2010), số vụ TNGT giảm 13 vụ (65%), số người chết giảm 15 người (75%), số người bị thương tương đương. Có thể thấy rằng, TNGT đường thuỷ trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế và kéo giảm cả 3 mặt, không xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản nhân dân.
Trở thành phong trào quần chúng rộng khắp
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã tổ chức được 30 cuộc thi, hội thảo về Luật Giao thông Đường thuỷ nội địa trong nhân dân. Bên cạnh đó Ban ATGT các huyện đã tham mưu cho UBND các huyện quán triệt đến tận khóm, ấp, đưa nội dung của cuộc vận động vào các buổi sinh hoạt định kỳ. Đây là lực lượng nòng cốt vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền vừa triển khai thực hiện nên đã góp phần đưa cuộc vận động đi vào cuộc sống.
Trong quá trình triển khai, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên đường thuỷ được kiểm soát, hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ ngày càng có trật tự, kỷ cương hơn. Các lực lượng chức năng đã tổ chức được 8.822 cuộc tuần tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 24.820 trường hợp và ra quyết định xử phạt 24.831 trường hợp; phối hợp tổ chức thực hiện 13 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội; bắt 28 đối tượng vận chuyển, mua bán hàng cấm. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa chưa được quan tâm đúng mức; công tác xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa chưa nghiêm, chưa đủ răn đe; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức cuộc vận động, triển khai thiếu thường xuyên, báo cáo chưa kịp thời; sự phối hợp trong công tác giữa các thành viên BCĐ thiếu chặt chẽ...
Để có thể tiếp tục đẩy mạnh phong trào Hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước", ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho rằng, cần phải xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với công tác tuần tra, kiểm soát là nhiệm vụ trọng tâm. Phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.
Trong quá trình chỉ đạo cần thực hiện vận dụng linh hoạt, sáng tạo văn bản quy phạm phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành, tình hình thực tiễn ở địa phương. Đồng thời cần nghiên cứu các tiêu chí văn hoá giao thông đường thuỷ cho các đối tượng thường xuyên hoạt động trên sông nước.