Gần 3 năm qua, dù nắng hay mưa, từ 6h sáng đến 21 giờ tối mỗi ngày, những thành viên trong 6 tổ tự quản cựu chiến binh bảo đảm an toàn giao thông đường sắt của Hội Cựu chiến binh huyện Văn Lâm vẫn miệt mài đứng gác để giữ cho hành trình những chuyến tàu đường sắt Hà Nội – Hải Phòng được an toàn, góp phần giảm những vụ tai nạn giao thông đau lòng.
Huyện Văn Lâm địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có đường sắt chạy qua với 2 ga Lạc Đạo, Tuấn Lương đi qua địa bàn của 7 xã, thị trấn, giao cắt với nhiều tuyến đường ngang dân sinh và khu công nghiệp.
Ngoài các vị trí trọng yếu đã có trạm gác chắn barie và người hướng dẫn, trên địa bàn Văn Lâm còn nhiều điểm giao cắt khác, trong đó có 7 vị trí đường ngang thường xuyên có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đó là các điểm Km17+600 thuộc khu dân cư mới Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh; Km21+100 và Km29+900 thuộc xã Đình Dù; Km26+490, xã Chỉ Đạo; Km30+200, xã Đại Đồng; Km32+200, xã Việt Hưng và Km35, xã Lương Tài.
Cựu chiến binh Đặng Văn Bích đang làm nhiệm vụ khi tàu đến
Thực tế những năm qua, tình hình tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp. Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra đều rất thương tâm, thiệt hại vật chất lên đến hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn phần lớn là do người tham gia giao thông không chú ý quan sát và không chấp hành hiệu lệnh (đèn hiệu, người gác) khi qua đường ngang.
Ông Đặng Đình Đà, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Văn Lâm cho biết, sau khi được cơ quan quản lý đường sắt, Ban An toàn giao thông huyện tập huấn nghiệp vụ công tác và trang bị các dụng cụ hỗ trợ cần thiết, 7 tổ tự quản bảo đảm an toàn giao thông đường sắt của Hội Cựu chiến binh huyện Văn Lâm chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11.2012. Sau đó, do tổ tự quản tại khu dân cư Minh Khai - thị trấn Như Quỳnh hoạt động không hiệu quả nên ngừng hoạt động. Hiện nay, toàn huyện còn 6 tổ tự quản duy trì tốt hoạt động. Bất kể thời tiết nắng mưa hay giá rét, các thành viên được phân công trực ban đều có mặt đúng thời gian ở vị trí quy định để hướng dẫn giao thông, góp phần tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện.
Theo đánh giá của Hội cựu chiến binh huyện Văn Lâm, trong 6 tổ tự quản bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, tổ tự quản của xã Chỉ Đạo là hoạt động hiệu quả nhất. Năm 2014, tổ được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khen thưởng vì có thành tích trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Tổ gồm 3 thành viên do cựu chiến binh Đặng Văn Lậm làm tổ trưởng. Các thành viên tổ chức trực ban luân phiên, mỗi ngày một người. Km26+490, xã Chỉ Đạo luôn là “điểm nóng” về an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Nơi đây là điểm giao cắt đường sắt Hà Nội – Hải Phòng với tỉnh lộ 18 Hưng Yên – Bắc Ninh, liền kề Khu công nghiệp Phố Nối A nên mỗi ngày có hàng nghìn lượt người, phương tiện giao thông, đặc biệt có số lượng lớn xe tải, xe container đi qua điểm giao cắt này.
Trời nắng như đổ lửa. Khi tiếng còi tàu vang lên, cựu chiến binh Đặng Văn Bính thoăn thoắt làm nhiệm vụ, thổi còi, dùng cờ báo hiệu để người qua đường dừng lại chờ tàu qua. Ông Bính tâm sự, công việc này không vất vả nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung cao. Tàu thường đến muộn nên nếu mất tập trung thì sẽ không nghe được tiếng còi, không nhìn thấy đèn báo để cảnh báo người dân. Chứng kiến công việc ông đang làm mới thấy sự vất vả và tinh thần trách nhiệm của những cựu chiến binh tổ tự quản.
Bà Hậu, chủ quán nước gần đó chia sẻ, từ khi có tổ tự quản cựu chiến binh túc trực tại đây, an toàn giao thông đường sắt được cải thiện đáng kể. Nhiều người cố tình vượt khi tàu đang đến được các cựu chiến binh ngăn cản kịp thời. Chiếc ô che nắng che mưa cho họ lâu ngày đã hỏng, các chú ấy đều phải ngồi dưới gốc cây...
Ông Đỗ Mạnh Chuông, Phó phòng Kinh tế hạ tầng, Phó Ban An toàn giao thông huyện Văn Lâm nhận xét, từ khi tổ tự quản cựu chiến binh bảo đảm an toàn giao thông đường sắt đi vào hoạt động, tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt chuyển biến tốt và thương vong do số vụ tai nạn giao thông đường sắt giảm. Năm 2013, trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 1 vụ (25%) so với năm 2012, giảm 3 người chết (100%), giảm 4 người bị thương (100%). Năm 2014, tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn huyện tiếp tục giảm 2 tiêu chí...
Mô hình tổ tự quản cựu chiến binh bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn huyện Văn Lâm thời gian qua đã khẳng định được hiệu quả. Song để phát huy hiệu quả bền vững, Ban An toàn giao thông và các cơ quan chức năng liên quan cần quan tâm bảo đảm công cụ hỗ trợ cần thiết, nâng cao mức hỗ trợ nhằm động viên các cựu chiến binh làm nhiệm vụ.