Dù thời gian qua, các địa phương và các cấp ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, tuy nhiên đường sắt Bắc – Nam qua địa bàn Bình Thuận vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Lập lại trật tự hành lang đảm bảo An toàn giao thông đường sắt
Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Sài Gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngoài việc còn tồn tại 176 đường ngang dân sinh bất hợp pháp được người dân mở để phục vụ sinh hoạt, đi lại ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu thì một mối đe dọa khác đó là hành lang đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt (HLĐBATGTĐS) bị xâm phạm. Phần lớn các vụ xâm phạm hành lang đường sắt xuất phát từ xây dựng công trình nhà xưởng, nhà ở, khai thác khoáng sản…Theo đó qua khảo sát mới đây, có thể kể ra một số địa điểm bị xâm phạm như: từ KM 1447 + 200 đến KM 1447 + 750, thuộc địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tình trạng khai thác cát lấn chiếm vào hành lang bảo vệ công trình với điểm khai thác gần nhất cách đường ray 3,5m, sâu từ 1,5 – 3,5m, đe dọa trực tiếp đến công trình bảo vệ đường sắt. Hay tại đường ngang Km 1534 + 487, thuộc địa bàn xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc khi 1 hộ dân xây dựng xưởng gỗ trong phạm vi đất đường sắt gây cản trở tầm nhìn tại đường ngang. Đặc biệt đoạn từ Km00 + 100 đến Km09+900, tuyến đường nhánh Ga Bình Thuận – Phan Thiết hành lang an toàn đường sắt bị xâm hại nặng do nhà cửa, công trình kiến trúc tồn tại trước năm 1995, là những mối đe dọa an toàn chạy tàu.
Để lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt, tại cuộc họp mới đây giữa UBND tỉnh và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam liên quan đến thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh trong việc đảm bảo TTATGTĐS, hai bên nhất trí trong thời gian đến tăng cường công tác phối hợp, trọng tâm ngoài xóa bỏ đường ngang dân sinh thì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải chú trọng công tác ĐBHLATGTĐS. Đồng thời UBND tỉnh cũng vừa ban hành Quyết định 2249/QĐ-UBND ngày 27/8/2015 về việc phê duyệt “kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ”. Theo đó, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm được các quy định pháp luật và chủ trương của Nhà nước, tự giác bảo vệ hành lang đường bộ, đường sắt. Đồng thời rà soát, phân loại và thống kê các công trình vi phạm nằm trong HLATĐB, ĐS, các đường nhánh đấu nối trái phép vào quốc lộ; rà soát, phân loại các điểm giao cắt với đường sắt để đề nghị cấp có thẩm quyền đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường ngang có phòng vệ phù hợp với quy định hiện hành; xây dựng rào chắn ngăn cách quốc lộ với đường sắt ở những đoạn quốc lộ chạy sát với đường sắt.
Ngoài ra, quy hoạch hệ thống đường gom trong toàn bộ khu vực kinh tế, khu thương mại, khu dân cư đấu nối vào hệ thống quốc lộ phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phối hợp thực hiện quy hoạch hệ thống hàng rào, đường gom các đường dân sinh, ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép vượt qua đường sắt…