Hệ thống giao thông đường thủy tỉnh An Giang có 18 tuyến quốc gia do Trung ương quản lý, dài trên 372km; 22 tuyến do tỉnh quản lý, dài trên 510km. Phần còn lại 237 tuyến, với tổng chiều dài trên 1.540km được phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Toàn tỉnh có 258 bến thủy nội địa, 134 bến đò ngang, 10 bến phà, 1 cụm phà, 5 bến tàu đưa khách du lịch, 11 bến đò dọc và 3 bến đò chèo tự phát, trong đó có 146 bến đã được cấp phép hoạt động… Tuy hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra.
Mùa lũ hàng năm, mực nước dâng cao rất nhanh, nước chảy xiết kèm theo mưa giông, lốc xoáy, làm cho các phương tiện thủy gặp rất nhiều nguy hiểm khi lưu thông. Trên lưu vực đầu nguồn có gần 600 bè cá, gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa. Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp là nguyên nhân làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản nhân dân. Do phong tục tập quán và đặc điểm địa lý, phần lớn người dân cất nhà sống tập trung ven sông, lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng, lòng sông còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm hoặc không thuộc dạng phải đăng ký, đăng kiểm (xuồng chèo, xuồng máy nhỏ) chiếm số lượng tương đối lớn. Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của một bộ phận người dân còn hạn chế; người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ, chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Từ đó, đã đặt ra nhiệm vụ cho công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) nói chung, công tác giữ gìn TTATGT trên đường thủy nói riêng rất nặng nề.
Kiểm tra phương tiện thủy trên sông Hậu
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra trên 190 trường hợp, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 81 trường hợp, nhắc nhở 27 trường hợp, đình chỉ hoạt động 8 bến thủy nội địa (lỗi không chứng nhận đăng ký, không bằng thuyền trưởng hạng 3, không bố trí đủ định biên thuyền viên, không chứng chỉ thợ máy, không có giấy phép mở bến, neo đậu phương tiện gây cản trở giao thông…). Đồng thời, còn phát hiện 20 trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, nhắc nhở 10 trường hợp, lập biên bản xử lý 10 trường hợp cào điện.
Theo đánh giá chung, Chi cục Đăng kiểm, Cảnh sát đường thủy, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 13 đã quán triệt các nghị quyết, chỉ thị có liên quan và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa. Đồng thời, tăng cường các mặt công tác quản lý hành chính về TTATGT, kiểm soát được tình hình tai nạn giao thông trên đường thủy nội địa, cơ bản hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra. Đại tá Dương Ngọc Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, đánh giá: “Liên ngành cơ sở ở An Giang hoạt động rất tích cực trong các lĩnh vực. Từ đó, đem lại hiệu quả thiết thực: Người dân nhận thức pháp luật tốt hơn; kiềm chế tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, hạn chế điểm nóng về TTATGT đường thủy nội địa; ý thức trách nhiệm của ngành chức năng có liên quan đã tham gia vào cuộc, hiệu quả. Vai trò tham mưu của Ban ATGT cũng được thể hiện rõ, chủ động đề xuất giải quyết tình huống linh hoạt. Thời gian tới, các ngành cần tiếp tục hướng tới mục tiêu “coi tính mạng con người là trên hết”, tập trung ngăn chặn, hạn chế tai nạn giao thông, nhất là các tai nạn làm chết nhiều người, tai nạn ở các bến và phương tiện chở khách ngang sông”.
Năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 10 người, bị thương 1 người, thiệt hại ước tính 789 triệu đồng (so cùng kỳ tăng 1 vụ, tăng 8 người chết). Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do người điều khiển không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; luồng hẹp, khúc khuỷu dẫn đến tầm nhìn bị hạn chế... |