Theo thống kê của ngành chức năng, 3 năm qua trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra 19 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 16 người, bị thương 5 người; so với 3 năm trước đó giảm 3 vụ, giảm 6 người chết, tăng 4 người bị thương. Đáng chú ý, riêng trong năm 2015 xảy ra 10 vụ làm chết 8 người, bị thương 3 người; so với năm 2014 tăng 7 vụ (233%), tăng 5 người chết (167%) và tăng 3 người bị thương (100%). Nguyên nhân chủ yếu do người và phương tiện băng qua đường sắt thiếu chú ý quan sát, chiếm gần 85%.
Tai nạn giao thông đường sắt ở Bình Thuận luôn ở mức độ cao có nguyên nhân là do tuyến đường sắt đi qua địa bàn rất dài với 175 km, hầu hết đi qua vùng đồi núi tầm nhìn bị che khuất. Trong lúc đó số đường ngang giao cắt với đường sắt rất nhiều, với 238 đường, trong đó có 60 đường ngang hợp pháp và 178 đường ngang bất hợp pháp (lối đi dân sinh). Trên phần đường bộ giao cắt với đường sắt việc kẻ vạch dừng xe, gờ giảm tốc độ tại điểm giao cắt phần lớn chưa thực hiện do nhiều đường ngang là đường cấp phối sỏi đỏ… Cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người điều khiển phương tiện và người dân chưa tốt, chủ quan, thiếu quan sát dẫn đến tai nạn tăng cao.
Tình hình trên đòi hỏi phải có biện pháp tích cực quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng. Trước hết ngành Giao thông vận tải tỉnh, lực lượng cảnh sát giao thông và chính quyền các địa phương cần thường xuyên phối hợp với các công ty quản lý đường sắt kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm giao cắt với đường sắt qua đó tiếp tục bổ sung đầy đủ các biển báo hiệu đường bộ, cảnh báo nguy hiểm tại các điểm giao cắt; xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường sắt, phát quang vật cản bảo đảm tầm nhìn chạy tàu; chủ động, kiên quyết ngăn chặn người dân mở đường ngang trái phép qua đường sắt; xây dựng các đường gom dọc tuyến đường sắt đến các điểm giao cắt hợp pháp.
Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua phối hợp với ngành đường sắt cần tổ chức rào chắn, thu hẹp lối đi dân sinh trái phép. Huy động nhân dân đóng góp kinh phí mở các đường gom dân sinh tại các khu dân cư, trường học, bệnh viện,, các khu vực sản xuất nông nghiệp dọc đường sắt. Huy động các tổ chức, đoàn thể, lực lượng thanh niên tình nguyện lập chốt gác cảnh giới, điều tiết giao thông tại các điểm giao cắt có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Ngành đường sắt cần bố trí đủ nhân viên trực gác tại các điểm giao cắt hợp pháp với đường bộ; lắp đặt đèn cảnh báo tự động, chuông báo hiệu tàu hỏa; biển báo…Về lâu dài cần nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu vượt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do ý thức của người tham gia giao thông còn chủ quan, thiếu quan sát, do vậy biện pháp tuyên truyền giáo dục dục là rất quan trọng. Các phương tiện truyền thông, chính quyền và các đoàn thể nơi có đường sắt đi qua cần có những biện pháp tốt trong tuyên truyền vận động đến từng địa bàn dân cư. Cần đa dạng hóa các sản phẩm tuyên truyền vận động; tăng cường tuyên truyền trực quan, sử dụng thông điệp, pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, các hội thi về an toàn giao thông… Kết hợp giữa tuyên truyền với biện pháp kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định 39 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.