Tuyên Quang: Các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Thứ hai, 29/02/2016 14:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương; Nghị quyết 30, Nghị quyết 88 của Chính phủ; Kế hoạch 594 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, kiềm chế TNGT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 11 ngày 02/02, chỉ rõ chủ đề Năm ATGT 2016 là “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, năm 2016 phấn đấu giảm từ 5 đến 10% trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT so với năm 2015.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, 4 giải pháp chủ yếu, 8  nhóm nhiệm vụ rất cụ thể, chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo TTATGT trong năm 2016.

Các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định là: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác đảm bảo TTATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trọng vào các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; chú trọng vào tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ, báo cáo viên, tuyên truyền viên về an toàn giao thông. Tiếp tục đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường biện pháp tổ chức giao thông và các điều kiện bảo đảm an toàn các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát hệ thống biển báo hiệu giao thông, kịp thời thay thế, bổ sung các biển báo bị hư hỏng hoặc không còn phù hợp; kịp thời khắc phục, xử lý các vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở khách quá số người quy định, chở hàng quá tải trọng phương tiện của cầu, đường; vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ; gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác bảo đảm TTATGT. Siết chặt công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; khai thác có hiệu quả thông tin từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý. Thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho người đi xe mô tô, xe gắn máy; thực hiện các giải pháp lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

Cùng với 4 giải pháp chủ yếu, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ cụ thể về: Công tác tuyên truyền; công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quản lý vận tải, chất lượng phương tiện vận tải; nâng cao chất lượng đào tạo người điều khiển phương tiện giao thông; giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường; kiểm tra đôn đốc thực hiện; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn giao thông. Các nhiệm vụ này đều kèm theo kế hoạch cụ thể nêu rõ nội dung công việc, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và thời gian thực hiện, hoàn thành.

Để Kế hoạch 11 nhanh chóng đi vào cuộc sống, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã giao ban an toàn giao thông các huyện, thành phố, thủ trưởng các ngành là thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh căn cứ Kế hoạch 11 xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh về việc tổ chức thực hiện kế hoạch này ở địa phương, đơn vị mình. Đồng thời giao Ban An toàn giao thông tỉnh có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan liên quan thực hiện.

Với những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra cụ thể, sát thực tế, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, với ý thức chấp hành nghiêm túc của mọi người khi tham gia giao thông, chắc chắn năm 2016 chúng ta sẽ vượt mục tiêu trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, để Tuyên Quang thật sự là mảnh đất thanh bình, an lành, phát triển.

kieuanh

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)