Thời gian gần đây nạn xe dù, bến cóc trong vận tải hành khách lại tái diễn theo chiều hướng phức tạp, gây ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù công tác kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng vẫn được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên chưa đủ mạnh để xóa bỏ tình trạng trên.
Nhiều xe khách dừng đỗ tại khu vực vòng xuyến, phía trước
Siêu thị BigC, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa để đón khách.
Có mặt tại ngã tư vòng xuyến phía trước Siêu thị Big C (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) vào bất cứ lúc nào trong ngày, không quá khó để bắt gặp tình trạng nhiều xe khách ngang nhiên dừng đỗ tại đầu phần đường dành cho xe máy và xe thô sơ để đón bắt khách. Không chỉ xe khách của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải của Thanh Hóa mà có cả các xe khách của tỉnh ngoài như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội... Đã từ lâu, khu vực này trở thành “bến cóc” và là nơi “lý tưởng” để các loại xe khách dừng, đỗ đón khách đi các tuyến phía Bắc. Cũng tại đây, một loạt quán cóc mọc lên để phục vụ cho “bến cóc” này. Tình trạng xe khách thường xuyên dừng đỗ bắt khách, hoạt động của những người hành nghề xe ôm, việc bán hàng trên vỉa hè, thậm chí đã xuất hiện các đối tượng “cò xe” vừa gây mất an toàn giao thông, vừa tạo ra hình ảnh lộn xộn, phản cảm ngay tại cửa ngõ của TP Thanh Hóa.
Trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện nay, không chỉ có điểm “bến cóc” trên, mà còn tồn tại và xuất hiện nhiều điểm khác. Ngay tại khu vực đường Bà Triệu (phía trước bến xe phía Bắc) và đường Đội Cung kéo dài (mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, bên hông bến xe phía Bắc) thuộc phường Đông Thọ cũng xuất hiện “bến cóc” khi nhiều nhà xe như Sơn Tùng, Hải Hiền thường xuyên dừng để đón khách mà không hề vào bến xe. Ngoài ra, nhiều xe khách loại 29 đến 36 chỗ ngồi chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội cũng ngang nhiên đậu, đỗ ở phía ngoài bến và chạy lòng vòng dọc theo các tuyến đường Bà Triệu, Trần Phú, Nguyễn Trãi để đón khách. Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các xe này đều đã đăng ký chạy tuyến cố định nhưng lại không vào bến mà chọn một điểm thích hợp tại một số tuyến phố, điểm thuận lợi để dừng, đỗ, chạy quay vòng ngang nhiên đón khách.
Không chỉ tại TP Thanh Hóa, ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, mặc dù các địa phương đều đã quy hoạch và xây dựng bến xe khách, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải hành khách thường hoạt động theo hình thức xe gia đình, xe hợp đồng, đón khách tận nơi hoặc sử dụng lề Quốc lộ 45, 47, 217, các tỉnh lộ... làm nơi tập kết, đón khách. Chỉ qua một thời gian, những nơi này cũng trở thành những “bến cóc”.
Song song với nhiều bến cóc mọc lên, nạn xe dù cũng đang là vấn đề nhức nhối. Hằng ngày, trên địa bàn TP Thanh Hóa có nhiều xe khách chạy các tuyến liên tỉnh núp bóng xe hợp đồng ngang nhiên chạy lòng vòng để đón khách, mặc dù bị cấm. Theo Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 240 tuyến cố định chạy liên tỉnh và 21 tuyến cố định nội tỉnh. Qua quá trình kiểm tra, rà soát sơ bộ, hiện có gần 30 xe dù (không có phù hiệu hoặc đăng ký chạy hợp đồng nhưng không có tuyến cố định hoặc không thuộc quyền quản lý của Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa). Theo ghi nhận của phóng viên, những xe dù kiểu này hoạt động cao điểm vào khung giờ từ 7 - 8h sáng; 11 - 12h trưa và 16 - 17h chiều, chủ yếu là chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội. Chưa hết, nạn xe dù này còn xảy ra ngay cả với các tuyến nội tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông - Vận tải, cho biết: “Xe dù, bến cóc” là vấn nạn chung của toàn quốc, không chỉ riêng Thanh Hóa. Thời gian qua, đặc biệt là từ cuối năm 2015 đến nay, sở đã giao cho thanh tra sở phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm đón trả khách trên địa bàn, đặc biệt là quanh khu vực các bến xe. Vi phạm lần đầu, thanh tra sẽ yêu cầu doanh nghiệp cam kết không tập kết đón khách tại khu vực văn phòng, trường hợp tiếp tục tái diễn, cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của đơn vị đó.
Thiếu tá Lê Hồng Thái, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an Thanh Hóa cho biết: Từ đầu năm 2016 đến nay, Phòng CSGT đã phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý vấn nạn “xe dù, bến cóc” và đã xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xử lý lực lượng CSGT gặp nhiều khó khăn. Lực lượng đã mỏng, trong khi giờ đón trả khách của các nhà xe cũng là thời điểm lực lượng CSGT đang phải căng mình làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các tuyến quốc lộ nên không phải lúc nào cũng có thể xử lý được hết. Bên cạnh đó, việc các nhà xe lợi dụng kẽ hở để lách luật cũng khiến lực lượng CSGT gặp khó. Nhiều khi xử lý được chỗ này lại phát sinh thêm chỗ khác. Vì vậy, chính quyền các địa phương, công an địa bàn cũng phải tích cực vào cuộc một cách đồng bộ thì mới xử lý triệt để được, trong đó việc xóa bỏ các “bến cóc” phải được chú trọng nhất.