Phú Thọ: Phấn đấu thực hiện có hiệu quả năm ATGT 2016

Thứ sáu, 04/03/2016 13:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban ATGT tỉnh, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, do vậy tình tình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy TTATGT vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương do TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao.

Trong năm 2015, toàn tỉnh Phú Thọ đã xảy ra 127 vụ va chạm và tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 69 người, bị thương 114 người (trong đó đã xảy ra 120 vụ TNGT và va chạm giao thông đường bộ, làm chết 63 người, bị thương 113 người; 7 vụ TNGT đường sắt, làm chết 6 người, bị thương 1 người; không có TNGT đường thủy nội địa). So sánh với năm 2014, số vụ va chạm và TNGT giảm 9 vụ; số người chết giảm 2 người; số người bị thương giảm 3 người. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2015, TTATGT trên địa bàn được duy trì khá tốt, số người chết và bị thương  giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng 6 tháng cuối năm, TNGT lại có xu hướng gia tăng mạnh. Riêng  trong tháng 7 đã xảy ra 4 vụ TNGT nghiêm trọng trên đường bộ và 1 vụ trên đường sắt làm chết 7 và bị thương 16 người (trong đó đường sắt chết 1 người). Đó là những con số đáng quan tâm.

Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông là giải pháp then chốt nhằm kiềm chế TNGT

Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông
là giải pháp then chốt nhằm kiềm chế TNGT

Qua đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới TNGT là do một số tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chưa coi trọng, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối với công tác bảo đảm TTATGT; ý thức chấp hành các quy định về ATGT của người dân còn hạn chế như sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông, đi không đúng phần đường, đi ngược chiều, láng vạch, vượt xe, chuyển làn trái với quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy... Công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang ATGT chưa thường xuyên, liên tục. Trong hoạt động vận tải vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp lái xe phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách; chở hàng quá khổ, quá tải làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, gây ùn tắc giao thông. Công tác tuyên truyền luật giao thông chưa sinh động, sâu rộng, thường xuyên liên tục; số lượng người tham gia chưa nhiều, những đối tượng thanh, thiếu niên thực sự quan tâm đến ATGT còn ít. Lực lượng chức năng làm công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm còn mỏng; công cụ phương tiện phục vụ công tác kiểm tra còn thiếu trong khi yêu cầu đòi hỏi phải triển khai trên địa bàn rộng, phức tạp, phương tiện giao thông tăng; còn tồn tại nhiều tuyến đường hẹp, xuống cấp, không có lề đường, có nhiều đoạn cong cua gấp làm hạn chế tầm nhìn khi tham gia giao thông...

Năm 2016, với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ”, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, hướng tới mục tiêu bảo đảm ATGT. Thực hiện chủ đề của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm kiềm chế, tiến tới kéo giảm tình hình TNGT. Trong hàng loạt các giải pháp được Ban ATGT tỉnh đề ra để thực hiện, có 2 giải pháp được xác định là trọng tâm đó là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT.

Ông Nguyễn Quang Thanh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết:  Để nâng cao hiệu quả của các giải pháp này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền pháp luật TTATGT. Cần đổi mới các hình thức và nội dung tuyên truyền, tuyên truyền phải có chiều sâu, đi vào từng đối tượng cụ thể và phải tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở, chú trọng tới những địa bàn cùng sâu, vùng xa, nơi chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với các kiến thức về pháp luật. Trong tuyên truyền, cần xác định rõ đối tượng tuyên truyền để xây dựng kế hoạch, biện pháp tuyên truyền cho phù hợp hiệu quả. Nội dung và hình thức tuyên truyền cần dề hiểu, gần gũi với đời sống hằng ngày của nhân dân. Trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT, các lực lượng chức năng và các địa phương cần triển khai nhiều chuyên đề, đợt cao điểm ra quân bảo đảm TTATGT; đồng thời tập trung hơn nữa vào kiểm tra xử lý các lỗi vi phạm trực tiếp gây TNGT như: Chạy quá tốc độ quy định, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham giao thông, vượt đèn đỏ; chở hàng quá tải trọng, tự ý thay đổi, kích thước thành thùng chở hàng trái quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; điều khiển phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, không có giấy phép lái xe theo quy định...

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh năm 2016 sẽ thu được nhiều thắng lợi, từ đó phấn đấu giảm số vụ TNGT, số người chết và bị thương do TNGT từ 3-5% theo mục tiêu đã đề ra.

bichtt

Nguồn: Báo Phú Thọ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)