Hà Giang: Sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm TTATGT

Thứ năm, 07/04/2016 08:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn tại hội nghị sơ kết quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2016.

Theo ghi nhận của ngành chức năng, công tác đảm bảo TTATGT thời gian qua có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt và thể hiện rõ hơn nữa trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân; đặc biệt vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong quản lý công chức, viên chức.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, các ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiệm vụ theo chuyên môn được giao; thế nhưng tình trạng xe tải chở đất, đá vương vãi ra đường vẫn gây nhức nhối trong nhân dân; các cháu học sinh sử dụng xe máy, xe đạp điện không đội mũ, đi không đúng phần đường quy định, lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm trên đường vẫn diễn ra như “chuyện thường ngày ở huyện”; tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường, đặc biệt trên tuyến Quốc lộ 4C rất phổ biến... Và trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động nhiều lúc có cũng như không; thực sự là những mối nguy; nguyên nhân dễ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), phá huỷ kết cấu hạ tầng giao thông, nếu chúng ta không cương quyết ngăn chặn.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh Hà Giang đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc nên đã tạo những chuyển biến tích cực trong đảm bảo ATGT. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, hình thức phong phú, đa dạng, tạo được sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, tính từ ngày 16/12/2015 - 15/3/2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ TNGT, giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm trước; 18 người chết, tăng 4 người; 15 người bị thương, không tăng, không giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 8 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 8 người, 6 người bị thương; 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 8 người, bị thương 6 người. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện, xử lý 4.587 trường hợp, phạt tiền nộp Kho bạc Nhà nước trên 2,2 tỷ đồng với các lỗi vi phạm chủ yếu như chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, người điều khiển mô tô không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đỗ xe không đúng quy định.

Đặc biệt, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vẫn chưa ngăn chặn được triệt để nên đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Trong 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Yên Minh, Vị Xuyên thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Bính Thân đều có nguyên nhân trực tiếp từ người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia nên không làm chủ tay lái. Hai vụ việc xảy ra đã để lại nỗi đau vô cùng lớn cho gia đình và bản thân các nạn nhân, nhiều người đến nay vẫn còn ám ảnh, nhức nhối vì những vết thương chưa lành trên cơ thể. Hậu qủa do TNGT gây ra rất lớn, nhưng nhiều người vẫn không có ý thức kiềm chế, khi có chút hơn men trong người, máu yêu hùng nổi lên, họ sẵn sàng điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng trên đường cứ như chốn không người.

Một khó khăn mới nảy sinh trong xử lý các trường hợp vi phạm ATGT, theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh; trước đây, tỉnh ta vẫn thực hiện thông báo người vi phạm về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú, đưa hình ảnh người vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm mục đích răn đe, giáo dục hành vi. Nhưng việc làm này lại liên quan đến trách nhiệm pháp lý nên đã phải dừng lại, vì vậy cần có giải pháp mới cho vấn đề này. Qua theo dõi cho thấy, việc gửi thông báo người vi phạm về nơi cư trú, cơ quan đơn vị nhằm giáo dục, quản lý công dân, quản lý cán bộ, đảng viên đã có tác động tích cực, nâng cao ý thức, tránh việc nhờn luật của mỗi người khi tham gia giao thông. Nhiều cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận thông tin, dù không phản hồi lại với cơ quan chức năng, nhưng trong nội bộ đơn vị, trong bản thân mỗi người vi phạm được thông báo cũng nhận thấy lỗi lầm và có trách nhiệm hơn khi đi trên đường. Đặc biệt, việc ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về ATGT được các cơ quan, đơn vị tổ chức ký cam kết, lúc đầu cũng có tính răn đe, nhưng xem ra đến nay nhiều người không nhớ mình đã ký kết điều gì nên vẫn vi phạm.

Năm 2016, công tác đảm bảo ATGT được triển khai với chủ đề: Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ với mục tiêu tính mạng con người là trên hết. Mục tiêu đặt ra phấn đấu giảm tối thiểu 5% số vụ, số người chết, người bị thương do TNGT so với năm 2015; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn yêu cầu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác đảm bảo TTATGT; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, ngăn chặn và kiềm chế TNGT liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng xe chở hàng quá khổ, quá tải, hết niên hạn sử dụng, tình trạng vi phạm hành lang ATGT, cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm giao thông... Có như vậy, mới tránh được tình trạng nhờn luật trong một bộ phận không nhỏ người dân tham gia giao thông và hy vọng sẽ ít đi nỗi đau ập xuống mỗi gia đình khi người thân không trở về vì TNGT.
 

kieuanh

Nguồn: Báo Hà Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)