Tăng cường tuyên truyền các quy định về đội mũ bảo hiểm (MBH), cách chọn mũ và cài quai đúng quy cách, hình thức xử lý vi phạm khi không đội MBH cho trẻ em... là những giải pháp cụ thể mà các ban, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang triển khai, thực hiện rộng rãi tại nhiều trường học.
Theo Nghị định số 171, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc đội MBH và cài quai đúng quy cách. Nếu người điều khiển xe gắn máy không đội MBH có cài quai đúng quy cách cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi trên xe sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Mức phạt này áp dụng cả đối với người điều khiển xe đạp điện (từ 16 - 18 tuổi).
Để nâng cao nhận thức về việc đội MBH cho trẻ em, thời gian qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Yên Bái phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, các trường học và lực lượng cảnh sát giao thông triển khai nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến với các bậc phụ huynh, các em học sinh những quy định của pháp luật về MBH đối với người tham gia giao thông.
Theo đó, những ngày này, tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên, huyện Yên Bình, hàng nghìn học sinh tiểu học và các bậc phụ huynh đã được các cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và Ban ATGT tỉnh trực tiếp phổ biến, giáo dục, trao đổi những quy định của pháp luật về MBH.
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên), không khí buổi tuyên truyền diễn ra rất hào hứng, sôi nổi. Đúng 15 giờ 30 phút, gần 1.000 học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên của Trường đã có mặt đông đủ tại sân, bất chấp thời tiết oi ả.
Sau lời giới thiệu, đồng chí cán bộ cảnh sát giao thông lần lượt thông tin về việc chấp hành đội MBH và tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh; hình thức xử lý khi vi phạm quy định không đội MBH cho trẻ; các khuyến nghị đối với phụ huynh học sinh khi cho trẻ 6 tuổi tham gia giao thông bắt buộc phải đội MBH. Tiếp đó, đồng chí chuyên viên Văn phòng Ban ATGT tỉnh hướng dẫn, phổ biến về cách cài quai mũ đúng cách, cách chọn MBH đạt chuẩn, an toàn... Sau mỗi phần trình bày, các giảng viên lại có những câu hỏi đơn giản, thiết thực gắn với hoạt động hàng ngày của học sinh.
Em Phạm Trà Giang - học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: “Sau khi được các chú hướng dẫn, cháu đã biết cách chỉnh quai MBH sao cho vừa với khuôn mặt, không bị lung lay. Thêm vào đó, mỗi khi tham gia giao thông, chúng cháu phải đội MBH để phòng tránh tai nạn, nếu không sẽ bị cô giáo nhắc nhở và hạ hạnh kiểm”.
Theo thầy giáo Trần Đại Bằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập Ban ATGT do Hiệu trưởng làm Trưởng ban, từ đó công tác giáo dục, phổ biến về ATGT cho học sinh và phụ huynh được triển khai thường xuyên. Hàng tuần, nhà trường đều có đánh giá về tình hình đội MBH, với trường hợp vi phạm sẽ hạ hạnh kiểm. Do đó, đến nay, nhà trường không có học sinh vi phạm về MBH.
Còn tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), một trong những trường có số học sinh khá lớn, buổi truyền thông về MBH cũng thu hút khoảng 2.000 học sinh và phụ huynh đến tham dự. Anh Nguyễn Hoàng Thảo - một phụ huynh học sinh cho biết: “Tôi thấy những buổi tuyên truyền như thế này rất hữu ích, giúp hình thành cho con trẻ ý thức, thói quen chấp hành các quy định của pháp luật ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, buổi tuyên truyền cũng là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội MBH cho con khi tham gia giao thông”.
Ông Trần Xuân Quyết - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “Trong đợt này, Ban ATGT tỉnh sẽ triển khai thực hiện truyền thông tại 5 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động tuyên truyền, chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức cho các cháu học sinh về đội MBH, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm cho các bậc phụ huynh khi đưa đón con phải đội MBH cho các cháu, từ đó giảm các nguy cơ chấn thương do va chạm, TNGT gây ra”.
Có thể nói, với những hoạt động tuyên truyền dài hơi, có trọng tâm, trọng điểm, việc tuân thủ quy định đội MBH đã được các bậc phụ huynh và học sinh thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng, các phụ huynh phải là tấm gương sáng cho con em mình về đội MBH khi tham gia giao thông; chính bản thân các em phải ý thức được tác dụng của việc đội MBH là bảo vệ mình khi tham gia giao thông.