Đồng Tháp: An toàn giao thông đường thủy vẫn "nóng"

Thứ tư, 04/05/2016 15:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giao thông đường thủy (GTĐT) tại tỉnh Đồng Tháp góp phần rất quan trọng trong việc thông thương hàng hóa của địa phương và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng tình trạng vi phạm Luật GTĐT nội địa thường xuyên xảy ra và công tác xử lý, ngăn chặn các vi phạm vẫn gặp nhiều khó khăn...

Nằm ở đầu nguồn sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp có hệ thống sông ngòi chằng chịt với 229 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 2.490km. Vì chưa có giao thông đường không, đường sắt và hệ thống giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế nên hoạt động GTĐT là đường vận chuyển cơ bản, truyền thống phục vụ nhu cầu nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Theo thống kê, địa bàn tỉnh có 3 bến phà và 221 đầu bến khách ngang sông, 602 bến thủy nội địa và khoảng 49.000 phương tiện đường thủy buộc phải đăng ký, đăng kiểm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy thời gian qua các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhưng tình hình vi phạm trật tự, an toàn GTĐT vẫn thường xuyên xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn GTĐT.

Từ tháng 11/2014 đến nay, Phòng Cảnh sát GTĐT tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức 7.276 cuộc tuần tra kiểm soát. Qua đó phát hiện 14.207 trường hợp vi phạm, đã lập biên bản vi phạm hành chính 13.747 trường hợp với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng; tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn 18 trường hợp, thông báo về nơi cư trú 216 trường hợp. Trung tá Nguyễn Thanh Luân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát GTĐT, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Vi phạm trật tự, an toàn GTĐT tại tỉnh Đồng Tháp phổ biến là phương tiện chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, người điểu khiển phương tiện không bằng, chứng chỉ chuyên môn (hoặc có mà không phù hợp, không mang theo bằng cấp, giấy tờ…). Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ tai nạn GTĐT làm chết 4 người và thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, nguyên nhân đều do ý thức chấp hành GTĐT của chủ phương tiện còn thấp. Điển hình như quý I năm 2016, chiếc sà lan có trọng tải 1.310 tấn đâm va vào 5 lồng bè cá gây thiệt hại hơn 500 triệu đồng (rất may không có thiệt hại về người), nguyên nhân ban đầu được xác định là do người điều khiển phương tiện ngủ gật...

Tàu thuyền chở quá vạch mớn nước trên sông Tiền đoạn qua tỉnh Đồng Tháp.

Tàu thuyền chở quá vạch mớn nước trên sông Tiền đoạn qua tỉnh Đồng Tháp.

Tình hình vi phạm của các bến đò khách ngang sông cũng thường xuyên xảy ra với các lỗi phổ biến như: Chở quá số người quy định; không mang, mặc áo phao và dụng cụ nổi; chở phương tiện vận tải vượt quá quy định của bến hoặc phương tiện thủy. Đại tá Phạm Xuân Đức, Trưởng phòng Cảnh sát GTĐT, tỉnh Đồng Tháp, trao đổi: Hiện việc xử lý những vi phạm trật tự, an toàn GTĐT còn gặp nhiều khó khăn. Đối với những vi phạm về chở quá vạch dấu mớn nước tuy bị xử phạt nhưng vẫn phải cho đi vì thiếu bến hạ tải. Đối với vi phạm qua sông không mang, mặc áo phao và dụng cụ nổi thì chủ yếu là nhắc nhở và tuyên truyền, giáo dục cho chủ bến và khách qua sông.

Để hạn chế tình trạng vi phạm Luật GTĐT, thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân trên địa bàn gắn kết với thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Qua đó đã xây dựng được các mô hình hiệu quả như: Tổ dân phòng bến thủy nội địa, bến khách ngang sông an toàn, đội dân phòng đường thủy nội địa…

Đại tá Phạm Xuân Đức trao đổi thêm: Để giữ gìn trật tự an toàn GTĐT, đơn vị đã làm tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng bến hạ tải các phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước. Khảo sát và tiến hành thực hiện quy trình kiểm tra, đăng ký các phương tiện và bến đò đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, làm tham mưu cho Ban An toàn giao thông tỉnh đi khảo sát trên 6 tuyến sông, kênh trọng điểm gồm: Sông Tiền, sông Hậu, kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, kênh Tháp Mười số 1, kênh Tháp Mười số 2, kênh Lấp Vò - Sa Đéc.

Qua khảo sát thấy 142 điểm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Trong đó, có 22 điểm tại các ngã ba, ngã tư sông không lắp đặt báo hiệu, 111 đường dây điện vượt sông, cáp điện ngầm vượt sông, cầu vượt sông có chiều cao tĩnh không không bảo đảm an toàn, không lắp đặt báo hiệu, không duy tu bảo dưỡng, báo hiệu theo quy định... Đoàn đã đề xuất Cục Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông kiến nghị các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương chỉ đạo khắc phục. Trong thời gian thực hiện, đơn vị xác định cần phải đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát gắn với tuyên truyền giáo dục tại chỗ nhằm nâng cao ý thức của người tham gia GTĐT và phương tiện để hạn chế tình trạng vi phạm.

xuannguyen

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)