Cùng với việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, an toàn giao thông (ATGT) đường sắt là một trong những nội dung quan trọng, luôn được các cấp chính quyền, ban, ngành của tỉnh quan tâm nhằm mục tiêu phát triển giao thông đường sắt để lập lại cân bằng trong vận tải, chia sẻ với đường bộ đang quá tải.
Vận tải đường sắt có ưu điểm giá rẻ, tiêu hao năng lượng và vật tư thấp, mức độ an toàn cao. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh do còn tồn tại nhiều đường ngang dân sinh trái phép và ý thức chưa cao ở một bộ phận người dân khi đi qua đường ngang dẫn đến TNGT. Cùng với đó là sự xuống cấp của tuyến đường sắt sau nhiều năm đi vào sử dụng, vì vậy mà việc đảm bảo ATGT đường sắt vẫn luôn là vấn đề được các các cấp chính quyền, ban, ngành của tỉnh quan tâm nhằm hạn chế và kiểm soát tình hình TNGT.
Tuyến đường liên thôn xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường) cắt ngang qua đường sắt chưa có barie chắn đường,
bị cây cối rậm rạp che khuất tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh do Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Vĩnh Phú quản lý với chiều dài 32,7km bắt đầu từ Km36+950, địa bàn phường Phúc Thắng (thị xã Phúc Yên) đến Km69+725, hết địa bàn xã Việt Xuân (Vĩnh Tường), tiếp giáp với phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Trong đó có 10 điểm đường ngang có gác, 6 điểm đường ngang cảnh báo bằng biển báo, 16 lối dân sinh trái phép. Trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm xấu, do nền đường có nhiều vị trí không ổn định như: Ray, ghi bị tật, mòn quá tiêu chuẩn; tà vẹt có nhiều chủng loại bị vỡ, hỏng nhiều; nền đá thiếu; trong khi nhu cầu vận tải ngày càng tăng, mật độ chạy tàu ngày càng nhiều, tốc độ chạy tàu lớn, đặc biệt qua tỉnh có một số đoạn lên tới 90km/h, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Ngoài ra, tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, mật độ người và phương tiện qua lại ngày càng nhiều, trong khi ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém dẫn đến tình trạng mất ATGT đường sắt vẫn còn ở mức khá cao.
Trong những năm qua, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương và đặc biệt là Ban ATGT tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên tuyên truyền về Luật giao thông đường sắt; treo băng zôn khẩu hiệu tuyên truyền tại các nhà ga và dọc tuyến đường sắt với khẩu hiệu “Vi phạm hành lang an toàn đường sắt, hiểm họa tai nạn giao thông”; chỉ đạo lực lượng chức năng như: Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương và Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Vĩnh Phú xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra rà soát tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh, đặc biệt là các đường ngang giao cắt đường bộ, qua đó, kiến nghị ngành đường sắt xây dựng mới 3 trạm gác chắn đảm bảo ATGT tại địa bàn thành phố Vĩnh Yên và xã Sơn Lôi (Bình Xuyên), tổ chức giải tỏa các vi phạm hành lang ATGT đường sắt theo quyết định 1856/QĐ – CT của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các trường học ven đường sắt phát động phong trào “em yêu đường sắt quê em” với các hoạt động như: Học sinh tham gia dọn dẹp vệ sinh và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần.
Đối với các đường ngang có phòng vệ, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Vĩnh Phú thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn; nghiệm thu hàng tháng công tác quản lý, bảo trì của từng trạm chắn; sửa chữa các mặt đường ngang hư hỏng, đảm bảo an toàn, êm thuận cho các phương tiện cơ giới đường bộ qua lại đường ngang; phối hợp với địa phương thực hiện phương án kết nối hai hệ thống tín hiệu đường sắt và đường bộ tại các đường ngang có gác chắn nhằm giảm thiểu thời gian đóng chắn và góp phần giảm ùn tắc giao thông tại đường ngang sau khi đóng chắn đường bộ để đón tàu qua. Song song với đó, đầu tư nâng cấp 1 đường dân sinh cắt qua đường sắt thành đường ngang cảnh báo bằng biển báo tại Km68+000 thuộc địa bàn xã Việt Xuân (Vĩnh Tường). Đồng thời, xây dựng 400m hàng rào hộ lan bằng tôn sóng ngăn cách đường bộ và đường sắt tại 3 vị trí thuộc thị xã Phúc Yên và thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) để đảm bảo an toàn tại các lối đi dân sinh.
Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án đảm bảo TTATGT giai đoạn 2012 – 2015, trình HĐND ra Nghị quyết về “Một số giải pháp tăng cường đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012 – 2015”. Trong đó có huy động lực lượng quần chúng tham gia chốt gác tại các đường ngang dân sinh có nguy cơ tai nạn cao như: Điểm giao cắt đường vào xóm Khâu, phường Tích Sơn tại Km54+687; điểm giao cắt đường vào thôn Tháp Miếu, phường Trưng Nhị (thị xã Phúc Yên) tại Km39+830; điểm giao cắt với Quốc lộ 2A đoạn đi lên đê Tả Đáy tại Km66+860. …Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương có đường sắt thực hiện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các đường dân sinh tự mở trái phép, xác định những vị trí có thể xây dựng đường gom tạo lối đi chung để xóa bỏ đường dân sinh cắt qua đường sắt. Những vị trí đường dân sinh, kể cả những đường ngang cảnh báo bằng biển báo trên địa bàn tỉnh có mật độ phương tiện cơ giới đường bộ qua lại lớn, đã cắm 42 biển “chú ý tàu hỏa” tại 21 vị trí, nhằm tăng cường sự chú ý và cảnh báo cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi qua đường sắt, nâng cao công tác đảm bảo an toàn.
Ông Hoàng Văn Hoan, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “ Nhằm đảm bảo ATGT đường sắt, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh duy trì phối hợp với Tiểu Ban an ninh đường sắt khu vực tỉnh Vĩnh Phúc làm tốt công tác đảm bảo an ninh và trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn. Tiếp tục duy trì thực hiện Nghị quyết số 57/2012/NQ – HĐND về “một số giải pháp tăng cường đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012 – 2015”. Trong đó có một số giải pháp quan trọng là huy động lực lượng quần chúng tham gia chốt gác tại 7 đường ngang dân sinh có nguy cơ tai nạn giao thông cao; đề xuất UBND tỉnh triển khai nhân rộng tại các đường ngang dân sinh khác. Đây là một biện pháp rất quan trọng nhằm đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh.”