Hiệu quả từ mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” ở Phù Cát, tỉnh Bình Định

Thứ ba, 22/11/2016 09:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT), góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trong học sinh, từ năm 2011, Huyện đoàn Phù Cát bắt đầu xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT” tại một số trường học nằm ở khu vực có nhiều phương tiện qua lại, giao thông phức tạp. Từ hiệu quả của những mô hình này, đến nay, tất cả các trường THPT trên địa bàn huyện đều thực hiện “Cổng trường ATGT” và hoạt động có hiệu quả.

Ngoài ra, Huyện đoàn Phù Cát còn phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện triển khai xây dựng “Cổng trường ATGT” tới tất cả các liên đội trên địa bàn huyện và đoàn các xã, thị trấn.

Các thành viên trong đội thanh niên xung kích Trường THPT Ngô Mây
tham gia giữ gìn ATGT tại  điểm giao cắt giao thông gần trường.

Theo đó, ngay từ đầu mỗi năm học, các nhà trường thành lập đội xung kích, đội măng non, đội cờ đỏ để làm nhiệm vụ phối hợp, giữ gìn trật tự ATGT khu vực cổng trường; xây dựng kế hoạch hoạt động của đội thanh niên xung kích ATGT; tích cực tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ đến giáo viên, học sinh; phối hợp với gia đình, chính quyền và lực lượng CA... tăng cường kiểm tra, quản lý, nhắc nhở và xử lý kịp thời những học sinh cố tình vi phạm. Mặt khác, để duy trì hiệu quả hoạt động của đội thanh niên xung kích ATGT, các trường lấy chi đoàn giáo viên làm nòng cốt trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động của toàn đội. Hàng tuần, thông qua các buổi chào cờ, ngoại khóa, các tiết học giáo dục công dân, các trường cũng lồng ghép tuyên truyền cho học sinh chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ.

Là một trong những trường đầu tiên thực hiện mô hình “Cổng trường ATGT”, đến nay khu vực trước cổng Trường THPT Ngô Mây đã không còn cảnh học sinh chen lấn, dàn hàng ngang, chờ nhau làm mất trật tự giao thông. Đoàn trường đã thành lập 27 đội thanh niên xung kích ở tất cả các chi đoàn lớp học và phân công luân phiên tham gia đảm bảo trật tự ATGT tại khu vực cổng trường dưới sự giám sát, hướng dẫn của các thành viên tổ giám thị Đoàn trường. Cụ thể, vào đầu mỗi buổi học và lúc tan trường, lực lượng thanh niên xung kích sẽ đứng chốt ở khu vực trước cổng trường và tại ngã tư giao nhau với QL1A có hệ thống đèn tín hiệu, cách cổng trường khoảng 100m, làm nhiệm vụ hướng dẫn, nhắc nhở học sinh không tụ tập thành đám đông, không dàn hàng hai, hàng ba gây cản trở giao thông; đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện cho những người tham gia giao thông lưu thông thuận lợi.

Để triển khai có hiệu quả mô hình, ngay từ đầu năm học, Đoàn trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho cả năm học; tiến hành tập huấn cho các đội xung kích, tuyên truyền, vận động học sinh thực hiện tốt 5 “không”: không điều khiển mô tô, xe máy khi không có giấy phép lái xe; không lạng lách, đánh võng, vượt quá tốc độ quy định khi điều khiển môtô xe máy; không cổ vũ đua xe trái phép; không điều khiển môtô, xe máy khi đã uống rượu bia; không chở quá số người quy định và “5 biết”: biết nội dung các biển báo hiệu giao thông; biết cần phải đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy; biết bảo vệ các công trình giao thông; biết tình nguyện tham gia các hoạt động đảm bảo trật tự ATGT; biết đi đúng phần đường, chỉ rẽ, vượt khi đã phát tín hiệu và được phép cho đi.

Thầy giáo Nguyễn Bá Chung, Bí thư Đoàn Trường THPT Ngô Mây, cho biết: “Đoàn trường xác định giáo dục pháp luật về giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, và một trong những biện pháp hiệu quả là duy trì thực hiện mô hình Cổng trường ATGT. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của học sinh nhà trường ngày càng được nâng cao; tình trạng học sinh tập trung trước cổng trường, đi xe đạp dàn hàng ngang trên đường, học sinh điều khiển xe máy đến trường đã giảm hẳn”.

Anh Nguyễn Bảo Lâm, Bí thư Huyện đoàn Phù Cát, nhìn nhận: “Mô hình “Cổng trường ATGT” đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia giữ gìn trật tự ATGT, hình thành văn hóa giao thông trong học sinh tại các trường. Tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe... đã giảm đáng kể, góp phần làm giảm ùn tắc cục bộ, giảm va quẹt và tai nạn giao thông, nhất là ở khu vực các cổng trường vào giờ tan học”.

hoavt

Nguồn: Báo Bình Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)