Lai Châu: Nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy

Thứ sáu, 02/12/2016 12:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Được đóng đập từ tháng 12/2015, khu vực lòng hồ Thủy điện Huội Quảng dâng nước không chỉ là nơi tham quan mà còn phục vụ nhu cầu đi lại và đánh bắt thủy sản của người dân. Song đi kèm với đó, xuất hiện nhiều loại thuyền tự chế, trong khi chủ phương tiện chưa có giấy phép, kiến thức Luật Giao thông đường thủy còn hạn chế… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa.

Cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự và Cơ động (Công an huyện Than Uyên)
tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa đến chủ thuyền bến bản Xá Cuông I, xã Ta Gia 

Khi Thủy điện Huội Quảng đóng cống tích nước cũng là nước sông Nậm Mu dâng cao dẫn đến nhiều tuyến đường, sông suối bị ngập. Các xã dọc theo sông Nậm Mu như: Khoen On, Ta Gia, Mường Kim (huyện Than Uyên) xuất hiện các bến đò, thuyền tự chế phục vụ đi lại làm nương, ruộng của bà con. Để “mục sở thị”, những ngày cuối tháng 11, chúng tôi có dịp cùng cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự và Cơ động (Công an huyện Than Uyên) đến tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy tại bến bản Xá Cuông I (xã Ta Gia). Chúng tôi thấy không khí nhộn nhịp của những chiếc thuyền đi lại trên sông và người dân đánh bắt cá, vận chuyển nông sản, hàng hóa lên bờ. Và, đa số thuyền gắn máy của bà con đều không được trang bị phao cứu sinh, kích cỡ thuyền cũng không theo quy định.

Anh Lò Văn Ểnh (ở bản Phiêng Xá Cuông I, xã Ta Gia) chia sẻ: “Từ lúc nước ngập, gia đình phải dùng thuyền gắn máy đi qua sông làm nương và đánh bắt tôm, cá. Thuyền là phương tiện không thể thiếu đối với người dân khu vực lòng hồ Thủy điện Huội Quảng bởi vì không chỉ giúp nhu cầu đi lại trên sông thuận tiện mà còn phục vụ chuyên chở hàng hóa nông sản. Qua buổi tuyên truyền, tôi nhận thấy chủ thuyền phải có chứng chỉ hành nghề, việc cấp phép phương tiện neo đậu, quy định vận chuyển hành khách”. Cũng giống anh Ểnh khi được tận mắt xem tờ áp phích và nghe cán bộ của Đội phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhiều bà con mới hiểu thêm các quy định khi dùng phương tiện thuyền hoạt động trên lòng hồ và mối nguy hiểm xảy ra đối với tai nạn đường thủy. Nhiều người lúc này mới biết việc trang bị áo phao hay dụng cụ cứu sinh rất quan trọng.

Tuyến lòng hồ Thủy điện Huội Quảng trải dài qua các xã: Khoen On, Ta Gia, Mường Kim (dọc theo sông Nậm Mu và tỉnh lộ 106) đến đập Thủy điện Bản Chát có diện tích lưu vực 2.824km, chiều dài khoảng 30km. Vào mùa mưa hay những thời điểm nhà máy Thủy điện Bản Chát xả nước, mực nước lòng hồ dâng nhanh. Do nhu cầu đi lại nên một số người dân tự đóng và mua các loại phương tiện thủy nội địa như: bè, thuyền độc mộc, thuyền sắt có gắn máy để đi làm nương, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản và phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Trong khi đó các phương tiện đều không đạt tiêu chuẩn mà chủ yếu là đóng theo ý thích. Tình hình trên gây khó khăn trong quản lý đảm bảo ATGT đường thủy cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Khu vực lòng hồ Thủy điện Huội Quảng còn có 4 bến đò do dân tự mở gồm: bến bản Xá Cuông I, bản Hỳ (xã Ta Gia); bản Đốc, bản On (xã Khoen On). Các bến này chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại, đánh bắt, thu mua tôm, cá của người dân. Theo thống kê của Công an huyện Than Uyên, hiện có 68 thuyền hoạt động trên khu vực lòng hồ Thủy điện Huội Quảng (trong đó có 66 thuyền sắt gắn máy) nhưng trên thực tế con số đó lớn hơn nhiều. Phần lớn phương tiện thủy nội địa dùng phục vụ sinh hoạt gia đình nên công suất máy đều dưới 50 mã lực; điều đáng nói là hầu hết các thuyền không trang bị đủ phao cứu sinh, cứu đắm. Cũng theo phía lực lượng chức năng, thực tế tình trạng phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, chở quá trọng tải vẫn hoạt động khá phổ biến ở đây.

Anh Lò Văn Thanh (một chủ thuyền ở bản Hỳ, xã Ta Gia) tâm sự: “Khi biết nước ngập, tôi đã bỏ 40 triệu đồng mua thuyền về vừa phục vụ nhu cầu gia đình, vừa hợp đồng chở khách tham quan. Việc điều khiển phương tiện cũng dễ dàng nhưng về lâu dài mong ngành chức năng mở các lớp đào tạo cấp chứng chỉ cũng như đăng ký, đăng kiểm để người dân hoạt động tốt hơn”.

“Để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, Đội tham mưu lãnh đạo Công an huyện Than Uyên đề xuất UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn cùng các xã lập danh sách chủ phương tiện gửi cơ quan chức năng tiến hành đăng ký, đăng kiểm, học cấp chứng chỉ. Đồng thời, phối hợp với công an xã nắm tình hình khu vực lòng hồ, tuyên truyền trên sông về Luật Giao thông đường thủy nội địa; tăng cường tuần tra, kiểm sát hoạt động trên lòng hồ”- đại úy Đỗ Sơn Tùng, Đội Trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự và Cơ động (Công an huyện Than Uyên) cho biết.

Hiện nay, việc chấp hành các điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy của người dân còn hạn chế, trong khi các hộ tái định cư quay lại nơi cũ sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều dẫn đến quản lý thuyền bè trên khu vực lòng hồ thủy điện gặp không ít khó khăn. Thiết nghĩ, tỉnh cần đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; quy hoạch khu vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản… Góp phần phòng tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra.

kimcuc

Nguồn: Báo Lai Châu

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)