Năm 2016, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chuyển biến tích cực, nhiều chuyên đề, đợt cao điểm được triển khai hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, so với mục tiêu giảm tai nạn giao thông (TNGT) cả 3 tiêu chí từ 5 - 10%, tỉnh mới chỉ đạt 2/3 tiêu chí.
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, năm 2016, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 152 vụ TNGT, làm chết 52 người, bị thương 173 người, thiệt hại tài sản ước tính 2 tỷ 370 triệu đồng. So sánh với năm 2015, TNGT tiếp tục giảm mạnh 2 tiêu chí: giảm 33 vụ (-17,8%), giảm 43 người bị thương (-19,9%). Tuy nhiên, số người chết do TNGT tăng 13% (tăng 6 người chết); trong đó, các huyện: Hạ Lang, Bảo Lạc, Bảo Lâm tăng trên cả 3 tiêu chí; Thành phố và các huyện: Phục Hòa, Trùng Khánh tăng về số người chết. Như vậy, sau 2 năm liên tiếp giảm sâu về TNGT xét trên cả 3 tiêu chí thì năm 2016, đã có dấu hiệu biến động khi tỷ lệ người tử vong do TNGT có chiều hướng tăng lên. Điều đó cũng cảnh báo mức độ nghiêm trọng của các vụ TNGT hiện nay.
Trung tá Nguyễn Quốc Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết: Tình hình TTATGT năm vừa qua được duy trì ổn định, các phương tiện tham gia giao thông được lưu thông thông suốt, không xảy ra các hiện tượng ùn tắc giao thông kéo dài, đua xe trái phép và chống người thi hành công vụ. Mặc dù 6 tháng đầu năm TNGT tăng cao cả 3 tiêu chí, nhưng bằng nhiều giải pháp quyết liệt cấp bách, TNGT đã từng bước được kiểm soát và giảm rõ rệt. Nhưng, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tiếp tục có xu hướng gia tăng trong khi hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng, nhất là trên địa bàn Thành phố; tình trạng người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp..
Năm An toàn giao thông (ATGT) 2016 với chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ", với mục tiêu "Tính mạng con người là trên hết", công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể. Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho tỉnh cấp, phát gần 14.000 tài liệu tuyên truyền ATGT, 2.000 cuốn cẩm nang lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn; 1.000 sổ tay bảo đảm giao thông nông thôn; 1.000 cuốn cẩm nang phòng, chống rượu, bia; hơn 6.200 tờ rơi, áp phích, băng đĩa tuyên truyền về ATGT; trên 3.500 cuốn sổ tay, sách hướng dẫn về ATGT cho các cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh; sửa chữa, thay thế, bổ sung pa nô, khẩu hiệu mới và cung cấp nhiều bản tin, bài viết phục vụ công tác tuyên truyền.
Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đăng, phát hơn 1.200 tin, bài về lĩnh vực ATGT. 100% đơn vị trường học xây dựng kế hoạch bảo đảm TTATGT năm 2016 và tổ chức ngoại khóa phổ biến, tuyên truyền pháp luật về TTATGT, duy trì mô hình hoạt động “Cổng trường ATGT” với các tổ, đội tự quản TTATGT trường học. Trong năm, Ủy ban MTTQ tỉnh vận động MTTQ các cấp phổ biến các văn bản pháp luật về ATGT được 216 cuộc với 11.860 lượt người nghe. Có 528 khu dân cư với 96.852 hộ gia đình ký cam kết thực hiện đảm bảo ATGT; Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, văn hóa giao thông, hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”, tổ chức 398 cuộc với 15.920 lượt người nghe; Hội Nông dân tỉnh lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TTATGT cho trên 277.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân. Sự vào cuộc của các cấp hội, đoàn thể đã góp phần quan trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trong các tầng lớp nhân dân.
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh Cao Bằng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Lập biên bản xử lý 8.342 trường hợp, tước giấy phép lái xe 849 trường hợp, tạm giữ 129 ô tô, 2.428 mô tô, số tiền phạt trên 6 tỷ 278 triệu đồng. Trạm cân lưu động kiểm tra 609 phương tiện, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 123 trường hợp (trong đó có 32 trường hợp vi phạm quy định về tải trọng), tước giấy phép lái xe 115 trường hợp, tổng số tiền phạt 326,5 triệu đồng. Trạm kiểm soát tải trọng xe (Trạm cân 57) duy trì hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, phối hợp với cảnh sát giao thông công an các huyện, Thành phố tuần tra, kiểm soát tải trọng xe lưu động trên các tuyến đường tỉnh, huyện và đường nông thôn, góp phần giảm mạnh về lượng xe quá tải trọng hoạt động trên địa bàn (tỷ lệ xe vi phạm quá tải khoảng 14% trên tổng số xe qua trạm cân). Tuy nhiên, gần đây lại nảy sinh những tình huống phức tạp hơn, các lái xe cố ý tập trung thành đoàn lớn, đậu đỗ lộn xộn gây ùn tắc giao thông, thậm chí còn có hành vi chống đối, không hợp tác với lực lượng thực thi công vụ..., đặt ra yêu cầu cho lực lượng chức năng cần đưa ra nhiều phương án xử lý quyết liệt, mạnh hơn để ngăn chặn những hành vi vi phạm.
Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Hoàng Văn Thạch, nhận định: Những kết quả đạt được từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân đã góp phần không nhỏ vào việc kiềm chế và giảm thiểu TNGT cũng như ổn định tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, năm 2016, Cao Bằng không đạt mục tiêu đề ra là giảm TNGT cả 3 tiêu chí từ 5 - 10% so với năm 2015. Ngoài những yếu tố khách quan, công tác đảm bảo TTATGT của tỉnh hiện nay còn hạn chế: Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT chưa cao, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; chậm khắc phục tồn tại về tổ chức giao thông; bất cập trong quản lý xây dựng, quản lý hành lang ATGT đường bộ dẫn tới tồn tại nhiều trường hợp vi phạm quản lý quy hoạch xây dựng, đấu nối không phép, lấn chiếm hành lang ATGT, thi công trên đường đang khai thác không đảm bảo quy định…, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. Ban ATGT cấp huyện vướng mắc trong việc bố trí nhân sự chuyên trách công tác TTATGT, chưa có tổ chức Ban chỉ đạo ATGT cấp xã. Tình trạng tái vi phạm sau những chiến dịch cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm vẫn diễn ra.
Rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc của năm 2016, để việc triển khai công tác đảm bảo TTATGT đạt hiệu quả cao và đẩy lùi TNGT, ngoài việc các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác bảo đảm ATGT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về TTATGT, cần đến sự chung sức của toàn xã hội. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị cần nêu cao vai trò trong việc lãnh, chỉ đạo nhằm kiềm chế TNGT và mỗi người dân cần ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Trước mắt là tổ chức tốt đợt cao điểm bảo đảm TTATGT dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa Lễ hội Xuân 2017.