Năm 2016, Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La đã chỉ đạo, đôn đốc các ngành, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố vào cuộc quyết liệt, duy trì thường xuyên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới người dân.
Người tham gia giao thông chấp hành nghiêm đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư cầu 308 (Thành phố Sơn La).
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện tham gia đăng kiểm, đăng ký, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe; tích cực tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giảm tối đa tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Năm 2016, Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đưa 300 tin, bài, 18 thông điệp, 40 chuyên mục, phóng sự tuyên truyền phòng, tránh tai nạn giao thông, kiểm soát tải trọng xe; tổ chức 7.687 cuộc tuyên truyền Luật An toàn giao thông cho 610.000 lượt người; tổ chức cho 8.500 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện ký cam kết không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Huy động 82 doanh nghiệp ủng hộ 2.700 mũ bảo hiểm đạt chuẩn tặng cho học sinh; phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát 1.800 mũ bảo hiểm cho người tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố và các huyện Thuận Châu, Mộc Châu và Vân Hồ. Chỉ đạo 100% Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố tổ chức Lễ ra quân An toàn giao thông năm 2016...
Các cơ quan chức năng đã kiểm định 16.000 lượt phương tiện, trong đó, 14.000 lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn, 2.000 lượt phương tiện không đạt; tạo điều kiện cho cho người dân đăng ký mới 14.000 phương tiện, gồm: mô tô, ô tô, máy thi công công trình và phương tiện thủy. Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý 28.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường thủy, xử phạt hơn 26 tỷ đồng.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã gửi 2.600 thông báo các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đến các cơ quan, đơn vị và địa phương để kiểm điểm, giáo dục, Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các huyện, thành phố xây dựng phương án thực hiện tốt công tác khắc phục lũ bão, bảo đảm an toàn giao thông trong dịp tết, lễ, các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương; đề xuất, tổng hợp theo dõi và phối hợp triển khai xây dựng các dự án cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh...
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2016 đã có chuyển biến tích cực, nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên. Tuy nhiên, trong năm vẫn xảy ra 146 vụ tai nạn giao thông, làm 95 người chết và 122 người bị thương. So với năm 2015, giảm 12 vụ và 17 người bị thương, số người chết tăng. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tình trạng người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, người uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vi phạm tốc độ, đi sai làn đường, phần đường, vi phạm về phương tiện hết niên hạn sử dụng...
Hưởng ứng chủ đề Năm An toàn giao thông 2017 của Ban An toàn giao thông Quốc gia về Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La và các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông cộng đồng; phấn đấu kéo giảm tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết do tai nạn giao thông so với năm 2016. Thực hiện trung thực, khách quan công tác thi đua, khen thưởng, coi kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông là tiêu chí xét duyệt thi đua hàng năm, gắn trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan, đơn vị khi để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm và xảy ra tai nạn giao thông.