Năm An toàn giao thông ở Đồng Nai: Giảm tai nạn, tăng ý thức

Thứ hai, 20/02/2017 08:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chủ đề Năm An toàn giao thông (ATGT) 2017 là “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với tinh thần “tính mạng con người là trên hết”. Mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông so với năm 2016.

Lực lượng cảnh sát giao thông cần nâng cao tinh thần trách nhiệm bằng việc tăng cường
tuần tra kiểm soát, xử lý người vi phạm giao thông để nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Trách nhiệm của người đứng đầu

Phát biểu tại Lễ ra quân Năm ATGT 2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá thời gian qua tình hình đảm bảo trật tự ATGT trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác đảm bảo trật tự ATGT cần được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc và có hành động cụ thể. Đó là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông; gắn kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phương châm chỉ đạo, điều hành trong giữ gìn trật tự ATGT: “Thường xuyên, kịp thời, thực tiễn, dứt điểm”. Muốn thực hiện được thông điệp trên, các địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, cương quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, như: lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc; chở quá tải trọng phương tiện... Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và hiệu lực của thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự ATGT. Tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, trước tiên là xử lý triệt để các “điểm đen” mất an toàn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; tại các giao cắt giữa đường phụ ra đường chính, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thủy…

Tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cũng chỉ đạo nhiều giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, như: hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong thời gian tới phải tập trung vào các đoạn đường nguy hiểm, địa bàn nông thôn; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm cản trở giao thông, dễ dẫn đến tai nạn... Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông khi xử lý xe chở quá tải trọng cầu đường cần có thái độ dứt khoát, kiên quyết, không được khoan nhượng, tiêu cực, né tránh.

“Nếu địa bàn nào, đoạn đường nào còn xe vi phạm chở quá tải thì trách nhiệm trước hết thuộc về Sở giao thông vận tải, Công an tỉnh và lãnh đạo các huyện, TX. Long Khánh và TP. Biên Hòa” - Phó Chủ tịch Nguyễn Hòa Hiệp khẳng định.

Hành động để nâng cao ý thức

Chưa bao giờ ý thức chấp hành pháp luật giao thông khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở Việt Nam ở mức báo động như hiện nay. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm hơn 30%; lấn trái đường gần 24%; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn chiếm hơn 29%; vi phạm tốc độ 3,8%...

Tình trạng vi phạm pháp luật giao thông xảy ra với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Dù các cơ quan chức năng và địa phương liên tục tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu hay trực tiếp vận động để người dân hiểu và nâng cao kiến thức pháp luật về giao thông, nhưng không phải ai cũng mặn mà chấp hành. Có thể nói, đây không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác tuyên truyền, mà những ai đang trực tiếp tham gia giao thông trên đường cũng cần tự giác và ý thức thượng tôn pháp luật.

Chủ đề của Năm ATGT 2017 là “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên”, trong đó nhấn mạnh thanh, thiếu niên phải là những người đầu tiên gương mẫu, chấp hành pháp luật về giao thông từ những hành động nhỏ nhất.

Về vấn đến này, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền cho biết xây dựng một xã hội ATGT, hơn lúc nào hết thanh niên phải là lực lượng tiên phong, đi đầu. Tỉnh đoàn Đồng Nai sẽ kêu gọi đoàn viên, thanh niên gương mẫu trong thực hiện pháp luật ATGT bằng những hành động cụ thể, như: không uống rượu bia, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không tụ tập đua xe trái phép…

Trước đây, nhiều mô hình thanh niên tự quản bảo đảm ATGT ở các ngõ hẻm, bến đò và tham gia ở các chốt cấp cứu trên các tuyến quốc lộ hay các công trình “Thắp sáng ngõ hẻm”, “Cầu giao thông nông thôn”… đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức, văn hóa giao thông trong nhân dân. “Tuy nhiên, để thanh, thiếu niên thực sự đi đầu trong xây dựng văn hóa giao thông, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông cho các đoàn viên thanh niên với nhiều phương pháp cụ thể; tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm về những hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông và tập huấn kỹ thuật lái xe an toàn…”  - bà Hiền nói.

bichtt

Nguồn: Báo Đồng Nai

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)