Tỉnh Thanh Hóa có mạng lưới giao thông rộng lớn, với đầy đủ các loại hình, phương thức vận tải, gồm: Đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hàng không. Với hệ thống giao thông hiện có trên địa bàn, đòi hỏi phải có quy hoạch, kế hoạch phát triển GTVT đồng bộ, hiện đại và luôn đi trước một bước để định hướng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Tuyến đường tránh phía Đông TP Thanh Hóa.
Trong thời gian qua, việc chỉ đạo và tổ chức quy hoạch phát triển GTVT luôn được các cấp, các ngành có liên quan của tỉnh Thanh Hóa quan tâm thực hiện có hiệu quả. Như, quy hoạch phát triển tổng thể GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển mạng lưới bến xe ô tô khách tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và các quy hoạch chi tiết khác. Đi đôi với việc quy hoạch, các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch GTVT. Việc triển khai quy hoạch đã làm tiền đề, định hướng để xây dựng hệ thống GTVT đồng bộ, hiện đại, bền vững. Với số vốn hàng ngàn tỷ đồng, nhiều công trình giao thông đã được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Cụ thể, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 47 (đoạn từ TP Thanh Hóa đi thị xã Sầm Sơn); nhà ga mới Cảng Hàng không Thọ Xuân; đường nối các huyện ở miền núi phía Tây của tỉnh; Quốc lộ 217 (giai đoạn 1); Đại lộ Nam sông Mã, nối TP Thanh Hóa với thị xã Sầm Sơn; đường tránh phía Đông TP Thanh Hóa (đường BOT); tuyến đường giao thông nối Quốc lộ 47 với đường Hồ Chí Minh...; nhiều tuyến đường giao thông trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; nhiều cầu bê tông cốt thép vĩnh cữu bắc qua các sông; nhiều cầu treo ở nhiều huyện miền núi; nhiều cầu, cống nhỏ và hàng trăm km đường giao thông nông thôn.
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch GTVT vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, như: Công tác giám sát, đánh giá quy hoạch của một số địa phương, ngành có liên quan chưa thực sự chính xác, sát thực tế. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch thiếu, kiêm nhiệm nên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chưa cao. Các huyện, thị xã, thành phố ít có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực quy hoạch GTVT. Việc ứng dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại, các phần mềm công nghệ thông tin chuyên dụng để xử lý, phân tích và dự báo trong lập quy hoạch GTVT còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu quy hoạch GTVT chưa được tổng hợp một cách có hệ thống, dẫn tới khó khăn trong cập nhật thông tin, hoặc cập nhật không liên tục... Nhiều tổ chức tư vấn chưa đủ năng lực tham gia xây dựng quy hoạch GTVT, nhất là quy hoạch GTVT cấp huyện, dẫn đến chất lượng các quy hoạch chưa cao.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho biết: Thời gian tới, ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập, quản lý quy hoạch GTVT, góp phần phát triển GTVT đồng bộ, hiện đại, bền vững. Theo đó, ngành GTVT chủ trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến công tác quy hoạch. Đồng thời, thực hiện rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới định mức chi phí lập quy hoạch GTVT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù của ngành GTVT. Ban hành quy định về công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch nhằm quản lý thống nhất quy hoạch phát triển GTVT trên phạm vi toàn tỉnh.
Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương kiện toàn bộ máy, lực lượng cán bộ làm công tác quy hoạch, giao cho bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách đảm nhiệm công tác quy hoạch GTVT. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức quản lý Nhà nước về quy hoạch GTVT nhằm tiếp cận với các phương thức, mô hình quản lý mới. Tổ chức công bố công khai, rộng rãi quy hoạch GTVT được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các công trình giao thông theo quy hoạch. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch nhằm bảo đảm tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nhất là quản lý quỹ đất, hành lang bảo vệ công trình giao thông. Ngành GTVT phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch GTVT; qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định của Nhà nước khi các công trình, dự án thực hiện chậm tiến độ và trái với quy hoạch đã được phê duyệt.