Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, những năm qua, TP. Sóc Trăng luôn quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa.
Trọng tâm là tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, qua đó kiềm chế tai nạn giao thông ở mức thấp nhất, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra phương tiện vi phạm giao thông trên tuyến đường Lê Duẩn
Trung tá Nguyễn Chí Cường - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố cho biết: “Thời gian qua, xác định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố luôn quan tâm đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch định kỳ, trong đó tập trung tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao. Chú trọng thực hiện các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông theo từng chuyên đề, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi gây mất an toàn giao thông”.
Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát bảo vệ, Công an tỉnh tổ chức 535 cuộc tuần tra, kiểm soát. Qua đó, phát hiện 714 trường hợp vi phạm, lập biên bản tạm giữ 408 xe môtô, 73 giấy phép lái xe môtô, 58 giấy phép lái xe ôtô, xử phạt vi phạm hành chính 548 trường hợp với số tiền gần 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố còn phối hợp tuần tra, kiểm soát các hoạt động đường thủy được 2 cuộc, kiểm tra 4 bến khách ngang sông với 16 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, nhắc nhở các chủ bến chấp hành các quy định, quy tắc điều khiển phương tiện, đảm bảo an toàn cho người lái và tài sản khi qua sông.
Tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, chị Lâm Thị Thanh Nhi, xã Tân Hưng (Long Phú) cho biết: “Bản thân tôi luôn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và tự xây dựng cho mình văn hóa khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của chính bản thân; đồng thời, tác động tích cực đến những người tham gia giao thông, qua đó hạn chế được nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông”.
Trung tá Nguyễn Chí Cường cho biết thêm, bên cạnh những trường hợp chấp hành nghiêm, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông với các lỗi phổ biến, như: không mang theo giấy đăng ký xe máy, giấy phép lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông, điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép... Đối với các trường hợp vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố luôn xử lý nghiêm; kết hợp giáo dục, nhắc nhở để người vi phạm hiểu rõ, tránh tái phạm.
Song song đó, Đội Trật tự đô thị thành phố còn phối hợp với các ngành, UBND 10 phường thực hiện giải tỏa các trường hợp chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi mua bán, kinh doanh, đỗ xe trên các tuyến đường, nhất là 20 tuyến đường văn minh đô thị, qua đó tổ chức tuần tra được 539 cuộc, phát hiện xử lý 1.477 trường hợp vi phạm, góp phần lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Cùng với việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, TP. Sóc Trăng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Đồng chí Tô Ngọc Hiển - Phó trưởng Ban An toàn giao thông thành phố cho biết: “Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông luôn được Ban An toàn giao thông và các ban ngành, đoàn thể thành phố tập trung thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: treo băng rôn, phát tờ rơi, xây dựng tiểu phẩm, xây dựng các mô hình, chi, tổ, hội và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa giao thông trong mỗi người dân khi tham gia giao thông”.
Trong quý I/2017, Ban An toàn giao thông và các ban ngành, đoàn thể thành phố đã treo 3 băng rôn, 2 pa nô, phát 200 tờ rơi và tổ chức 409 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đài Truyền thanh thành phố đã thực hiện 30 bản tin, bài phóng sự, phỏng vấn phản ánh và 10 chuyên mục giới thiệu chính sách pháp luật. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố duy trì 18 tổ phụ nữ không mua bán, lấn chiếm lòng, lề đường, 8 tổ phụ nữ an toàn giao thông, Hội Nông dân triển khai cam kết “7 không, 7 phải” cho hơn 2.000 cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện không vi phạm an toàn giao thông, xây dựng 17 mô hình “Chi hội không có người vi phạm trật tự an toàn giao thông”. Đội Cảnh sát giao thông thành phố tổ chức trưng bày các hình ảnh về tai nạn giao thông tại trụ sở nhằm tuyên truyền cho các đối tượng là người vi phạm giao thông đường bộ.
Tuy thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP. Sóc Trăng vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 8 vụ tai nạn (giảm 1 vụ so với cùng kỳ), làm 3 người chết (tương đương so với cùng kỳ) và làm bị thương 12 người (tăng 1 người so với cùng kỳ).
Theo đồng chí Tô Ngọc Hiển, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, như không đi đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng, qua đường không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát mặc dù được tăng cường nhưng lực lượng tuần tra, kiểm soát còn thiếu, chưa khép kín địa bàn. Trong thời gian tới, Ban An toàn giao thông thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông theo hướng thiết thực, thực sự đi vào chiều sâu, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến đường trên địa bàn, tập trung lập lại trật tự vỉa hè đô thị và chú trọng duy tu, sửa chữa hệ thống biển báo xuống cấp, kẻ vạch tim đường và phát quang bụi rậm, nhằm đẩy lùi, kéo giảm mức thấp nhất tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.