Mùa mưa bão đang tới gần, trong khi Hà Nội vẫn còn 18 điểm úng ngập khi xảy ra mưa lớn. Để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó.
Lực lượng CSGT TP Hà Nội phân luồng giao thông trong mùa mưa bão
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an thành phố, khi xảy ra mưa lớn, trên địa bàn các quận nội thành còn 18 điểm úng ngập nằm trên các trục đường giao thông quan trọng như, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa (quận Hoàn Kiếm), Cao Bá Quát, Đội Cấn (quận Ba Đình)... Ngoài ra, còn có 170 điểm úng ngập nhỏ nằm trong khu dân cư. Do đó, khi xảy ra mưa, bão lớn, xảy ra úng ngập sẽ dẫn đến ùn tắc tại các khu vực này. Đơn cử như, cơn bão số 1 xảy ra tháng 7/2016 đã khiến nhiều điểm nút trên các tuyến đường nội thành bị úng ngập, gây cản trở các phương tiện khi tham gia giao thông. Gần đây, cơn mưa kéo dài khoảng 30 phút sáng 12/5 đã làm nhiều tuyến phố như: Thái Hà (quận Đống Đa), Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân), Bà Triệu, Huế bị ngập, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn...
Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, năm 2017 tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực TP Hà Nội có xu hướng tăng.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cho biết, ngoài nhiệm vụ số một là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong mùa mưa bão, lực lượng cảnh sát giao thông còn đảm trách việc bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô...
Để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã xây dựng phương án ứng phó cụ thể. Ngoài 18 điểm có thể xảy ra úng ngập đã được xác định, phòng tiếp tục tổ chức rà soát, phát hiện, bổ sung các điểm phát sinh để chủ động trong công tác phòng, chống. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ chủ động nắm tình hình dân cư, nhất là người dân sống khu vực ngoài đê, các kho tàng bến bãi gần kề với công trình giao thông để có phương án bảo vệ, di dời khi có thiên tai xảy ra.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt nhấn mạnh, phòng sẽ thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”. Ở những điểm, nút giao thông có khả năng bị ngập sâu, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ đặt biển cảnh báo nguy hiểm để chủ các phương tiện phòng tránh. Bên cạnh đó, phòng cũng sẽ bố trí xe cứu hộ giao thông để cẩu, kéo phương tiện của người dân bị sự cố, tổ chức phân luồng từ xa, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người tham gia giao thông lựa chọn lộ trình hợp lý.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, bố trí lực lượng sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, sơ tán nhân dân từ vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi an toàn...
"Cán bộ, chiến sĩ sẽ liên tục tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, kết hợp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm lợi dụng tình hình thiên tai, lụt bão để vi phạm pháp luật, nhằm bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô" - Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.