Vĩnh Phúc là đầu mối trung chuyển, cửa ngõ của thủ đô Hà Nội nối liền với các tỉnh phía Tây Bắc. Cùng với sự phát triển kinh tế, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh những năm gần đây ngày càng gia tăng, do vậy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Vĩnh Yên chỉ huy, điều tiết giao thông giờ cao điểm
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về TTATGT, xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 21/7/2016 về một số biện pháp bảo đảm TTATGT giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, triển khai đưa “văn hóa giao thông” vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, trục giao thông hướng tâm; rà soát, lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu chỉ huy giao thông tại các nút giao thông đô thị; phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng và nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt; thực hiện xã hội hóa việc đảm bảo TTATGT; huy động các lực lượng tham gia công tác đảm TTATGT và hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng làm nhiệm vụ; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT.
Sau gần 1 năm triển khai nghị quyết, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tổ chức tuyên truyền TTATGT trực tiếp tại các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức, trường học, khu dân cư cho hơn 74 nghìn lượt người. Ký cam kết không vi phạm các quy định về đảm bảo TTATGT, với gần 7.200 hộ kinh doanh ven đường, hộ có phương tiện giao thông, các cơ sở kinh doanh và tuyên truyền ký cam kết với gần 900 lượt chủ phương tiện vận tải thủy và người tham gia giao thông trên đường thủy. Khảo sát và báo cáo UBND tỉnh xây dựng 16 chốt đèn tín hiệu chỉ huy giao thông và 26 nút giao thông cần lắp đặt đèn cảnh báo giao thông. Lắp 50 camera hữu tuyến sử dụng đường truyền cáp quang tại 26 vị trí trên tuyến Quốc lộ 2, đường nội thị thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và huyện Vĩnh Tường để phục vụ công tác truy nguyên các trường hợp vi phạm TTATGT và điều tra, giải quyết các vụ tai nạn, va chạm giao thông. Thực hiện ký cam kết với hơn 7.000 hộ dân về chấp hành các quy định đảm bảo an toàn hành lang giao thông; vận động gần 3.500 hộ dân tự tháo dỡ, thu dọn công trình, biển, bảng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông...
Các lực lượng chức năng thường xuyên mở các đợt cao điểm, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với các hành vi vi phạm TTATGT, bảo vệ công trình giao thông và trật tự vận tải, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết và tổ chức các hoạt động văn hoá - thể thao lớn. 5 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã tiến hành tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử phạt hành chính trên 4.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng; 9 trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy với tổng số tiền trên 30 triệu đồng. Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, qua gần 1 năm triển khai nghị quyết, nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác bảo đảm TTATGT tiếp tục được nâng lên rõ rệt; tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể nói, TTATGT đang trở thành vấn đề vô cùng cấp bách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững của mỗi địa phương; tác động trực tiếp đến tính mạng, tài sản, cuộc sống của người dân. Bất kỳ ai đều có thể trở thành nạn nhân của các tai nạn giao thông và hậu quả để lại là khôn lường. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nhận thức đúng đắn và chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT để bảo vệ bản thân, gia đình và toàn xã hội.