Thị xã Quảng Yên có địa hình khá đặc biệt khi có 3 mặt tiếp giáp với sông, biển, nên hệ thống giao thông thuỷ khá phong phú. Hiện tại trên địa bàn thị xã có Bến phà Rừng thuộc Xí nghiệp Cầu phà Quảng Ninh quản lý đang hoạt động thường xuyên; 1 bến tàu vận chuyển khách đường thuỷ, 1 bến khách ngang sông và gần 2.000 phương tiện đánh bắt thuỷ hải sản có công suất từ 15CV trở lên.
Để nâng cao công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ nội địa và xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” được sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trong những năm qua TX Quảng Yên đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa cho người dân, doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất đóng tàu...
|
Cán bộ Phòng CSGT đường thuỷ phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường thuỷ nội địa cho ngư dân xã Hà An (TX Quảng Yên). |
Ông Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên cho biết: Hầu hết người dân làm nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản có nhận thức về Luật Giao thông đường thuỷ nội địa còn rất thấp, nên công tác tuyên truyền bằng hình thức xây dựng các phong trào luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Thông qua các mô hình, phong trào như: “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, “Người dân tự quản công tác an toàn giao thông đường thuỷ”... đã giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thuỷ nội địa, góp phần giảm thiểu TNGT. Đến nay, Quảng Yên đã xây dựng được 2 mô hình “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” tại xã Hà An và Tổ CSGT đường thuỷ Công an thị xã.
Xã Hà An có hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa tương đối phức tạp, để người dân xã Hà An chủ động trong việc đảm bảo an toàn cho mình, phương tiện không xảy ra các vụ TNGT đường thuỷ, đặc biệt là vào thời điểm mùa mưa bão, thị xã đã cho tuyên truyền các nội dung về Luật Giao thông đường thuỷ nội địa với mật độ dày đặc theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chính vì vậy, từ chỗ chấp hành cho lấy lệ, thì nay người dân đã chủ động mua áo phao, thiết bị cứu sinh... trang bị trên phương tiện. Bên cạnh đó, người dân thường xuyên bảo dưỡng định kỳ phương tiện của mình trước những chuyến đi khai thác trên sông, biển. Ông Ngô Văn Chác (thôn 1, xã Hà An) cho biết: “Được địa phương tuyên truyền, đồng thời thấy rằng việc tự trang bị những kiến thức về Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” là có lợi cho chính mình, nên chúng tôi chủ động chấp hành. Cùng với đó, mỗi người dân đều trở thành những tuyên truyền viên tự nguyện luôn tích cực trong việc động viên, khuyến khích anh em, bạn bè... cùng làm nghề chấp hành nghiêm các quy định an toàn để bảo vệ tài sản, tính mạng và xây dựng nét đẹp của người dân chài”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được từ phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, vẫn còn nhiều điều phải bàn, đó là tình hình trật tự ATGT đường thuỷ nội địa vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn còn xảy ra, số phương tiện chở người đi khai thác, nuôi trồng thuỷ sản chưa được kiểm soát, trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm chưa được quan tâm. “Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động phong trào, xây dựng mô hình, thị xã tiếp tục đa dạng hoá nội dung tuyên truyền theo hướng sát nhất với từng địa bàn, đối tượng cụ thể, để cán bộ, đảng viên, học sinh và nhân dân tìm hiểu sâu, hiểu rõ, tạo ý thức chấp hành, thực hiện nếp sống văn minh. Đồng thời đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT vào các buổi sinh hoạt của tổ dân, khu phố..., gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” - Ông Nguyễn Văn Hồi cho biết thêm.