Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 con sông do Trung ương quản lý có chiều dài 155,5km và 12 con sông do địa phương quản lý dài 143,3km. Toàn tỉnh có 34 bến đò ngang, 10 bến du lịch, 14 cảng thuỷ nội địa, 84 bến hàng hoá.
Toàn tỉnh có 1.306 phương tiện chở hàng hoá trên đường thuỷ gồm: tàu tự hành 899 chiếc; sà lan 291 chiếc; tàu kéo đẩy 116 chiếc. Phương tiện chở khách ngang sông có 26 chiếc. Phương tiện chở khách du lịch có 2.426 thuyền.
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa trong tình hình mới, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa.
Ban an toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các sở, ngành khảo sát, kiểm tra hoạt động của các nhà hàng bè nổi trên đường thuỷ; kiểm tra xử lý các bến thuỷ nội địa bốc xếp hàng hoá không phép, giấy phép hết hiệu lực; tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại khu, điểm du lịch.
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải có kế hoạch chi tiết xây dựng và thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.
Trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, các sở, ngành có nhiều hoạt động tích cực, đồng bộ nhằm đảm bảo TTATGT đường thủy.
Trong năm 2016, Sở Giao thông vận tải đã cấp đăng ký mới cho 147 phương tiện thủy nội địa, cấp đổi 45 phương tiện thủy nội địa; cấp mới 360 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn T3 thuyền trưởng hạng 3, 276 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn M3 máy trưởng hạng 3 và cấp đổi nhiều giấy chứng nhận khả năng chuyên môn khác cho các đối tượng tham gia hoạt động giao thông đường thủy.
Sở Giao thông vận tải làm tốt việc đăng kiểm đối với loại phương tiện thuỷ có sức chở dưới 50 người; các phương tiện không động cơ có trọng tải toàn phần dưới 200 tấn; các phương tiện có động cơ có tổng công suất dưới 135 mã lực; phương tiện chuyên dùng như: ụ nổi, bến nổi, thiết bị thi công nổi, nhà nổi, tàu cuốc, tàu hút... có chiều dài thiết kế nhỏ hơn 10m.
Năm 2016 đã kiểm tra, giám sát cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 24 phương tiện thuỷ nội địa. Toàn tỉnh có 2.918 người lái đò, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn và cấp chứng chỉ chuyên môn cho 2.772 người lái đò theo quy định.
Trong những năm qua, công tác bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh được gắn liền với việc thực hiện cuộc vận động “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều mô hình hoạt động đã được xây dựng và duy trì hiệu quả, nhiều năm liền không xẩy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa.
Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các bến khách ngang sông và các bến đò du lịch, qua kiểm tra đã đôn đốc, nhắc nhở và yêu cầu các chủ phương tiện và đơn vị quản lý các bến ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật nhằm duy trì hoạt động và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi đò.
Công an tỉnh đã phối hợp với Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác bảo đảm ATGT tại bến thuyền du lịch Tràng An; bố trí lực lượng duy trì thường trực liên tục tại bến để đảm bảo công tác an ninh trật tự, hướng dẫn giao thông và nhắc nhở du khách tham gia giao thông an toàn.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi cục đăng kiểm thủy số 2, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với cảng, bến thủy nội địa, cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện và bến khách ngang sông, bến khách du lịch.
Công an các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các cấp, các ngành và người tham gia giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là số chủ, lái đò tại các khu, điểm du lịch và du khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh; phân công lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa, nhất là số lái đò không có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, chở quá số người quy định, chở hành khách không mặc áo phao hoặc thiết bị cứu sinh; các trường hợp mở bến, phương tiện hoạt động trái phép.
Từ tháng 7/2016 đến hết tháng 4/2017, Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 986 trường hợp vi phạm quy định về TTATGT đường thủy nội địa, phạt tiền 425,5 triệu đồng; nhắc nhở, ký cam kết đối với 79 hộ, chủ bến đò chở khách dọc các tuyến sông.
Lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ Công an tỉnh tuyên truyền đảm bảo
ATGT đường thuỷ cho các chủ phương tiện vận tải
Ngoài ra, đã tiến hành kiểm tra 12 cơ sở đóng mới, hoán cải phương tiện thủy nội địa, bến bãi, đò ngang; phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm, phạt tiền 80,2 triệu đồng; tạm đình chỉ 1 đò và 14 bến hết hạn giấy phép mở bến. Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã lập biên bản xử phạt đối với 21 trường hợp vi phạm, phạt tiền 76 triệu đồng.
Với nhiều việc làm thiết thực, đồng bộ, các tuyến giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh có hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu tương đối đầy đủ và không có chướng ngại vật làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các phương tiện thuỷ.
Các bến khách ngang sông và các khu, điểm du lịch có hoạt động vận chuyển bằng thuyền đã được đổ bê tông xi măng và đá cấp phối đảm bảo cho khách lên xuống thuận lợi, an toàn. Các phương tiện chở khách trên đường thuỷ được trang bị điều kiện an toàn, thân đò chắc chắn, có đăng ký, đăng kiểm theo quy định.
Tuy nhiên công tác bảo đảm an toàn giao thông thủy vẫn còn gặp một số khó khăn, đó là: Nhiều bến thuỷ nội địa chưa được cấp phép theo quy định. Một số bến thuỷ vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông không sử dụng phao cứu sinh. Tình trạng phương tiện cố tình chở hàng hoá quá vạch mớn nước theo quy định còn xảy ra.
Tại một số bến thuỷ chở khách ngang sông hiện nay, mặc dù phương tiện đã đủ điều kiện được chở ô tô nhưng do mặt bằng của bến chưa đủ điều kiện nên việc các chủ phương tiện cố tình chở ô tô vẫn còn diễn ra và gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc xử lý vi phạm còn gặp khó khăn do không có nơi neo đậu lưu giữ phương tiện vi phạm.
Để khắc phục các khó khăn, đảm bảo an toàn giao thông thủy, trong thời gian tới, Ban an toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cảng, bến và phương tiện thủy nội địa chưa đáp ứng quy định về an toàn, đặc biệt là các bến đò ngang và đò du lịch không có phương tiện cứu sinh và chở quá số người quy định.
Tăng cường thực hiện công tác điều tiết khống chế đảm bảo giao thông tại nơi có mật độ giao thông cao, luồng lạch khan cạn, nơi thi công các công trình có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy; kết hợp tổ chức, điều tiết đảm bảo giao thông với chống va trôi tại các vị trí cầu trọng điểm vào mùa mưa bão.
Triển khai thực hiện phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Uỷ ban ATGT Quốc gia và Bộ Công an.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TTATGT, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước và công tác bảo đảm TTATGT. Tăng cường và nâng cao hiệu quả các chuyên mục, chương trình, nội dung tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác thực hiện mặc áo phao khi đi đò. Sở Du lịch chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo ATGT tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các khu du lịch có hoạt động chở khách bằng phương tiện thuỷ nội địa.
Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cấp bộ Đoàn đánh giá kết quả và nhân rộng mô hình “Bến đò ngang an toàn” trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với tàu, thuyền kinh doanh vận tải khách, khách du lịch không đảm bảo an toàn; các cảng, bến thủy nội địa cho tàu thuyền ra vào trái quy định; các đò ngang và đò du lịch chở quá số người quy định và không có trang thiết bị cứu sinh.
Xác định và quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra các vi phạm và tai nạn đò ngang, đò du lịch trên địa bàn quản lý mà nguyên nhân do bến đò hoặc phương tiện không đủ các điều kiện an toàn và chở quá số người theo quy định.