ATGT đường thủy nội địa: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thứ năm, 20/07/2017 13:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những địa phương có các tuyến sông, kênh đi qua hầu hết đều có phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa, chở khách ngang sông, chở khách du lịch; hoạt động khai thác cát, sỏi. Một số vị trí sông, suối những năm qua đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cầu treo, cầu phao dân sinh... phục vụ đi lại cho nhân dân. Tuy nhiên, giao thông đường thủy nội địa đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự ATGT.

Anh

Cầu phao Hậu Hiền, qua sông Chu, địa bàn xã Thiệu Tâm (Thiệu Hóa).

Thanh Hóa có 51 km tuyến giao thông đường thủy nội địa đi qua; trong đó, tập trung chủ yếu ở 2 tuyến sông Mã và sông Tào. Số lượng tàu thuyền hoạt động trên các tuyến sông nhiều và đây cũng là nơi tập trung các hoạt động giao thương, sinh sống của nhiều hộ dân trên sông nước. Để bảo đảm ATGT đường thủy nội địa qua địa bàn, hàng năm, ban ATGT thành phố, các phòng, ban có liên quan, lực lượng chức năng đã tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa. Đồng thời, thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” gắn với việc thực hiện kế hoạch, phương án bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp với chính quyền các xã, phường nơi có tuyến sông đi qua xử lý nghiêm những vi phạm các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, đôn đốc việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa đối với chủ phương tiện thủy, nhân dân sinh sống ở hai bên các tuyến sông chưa được các xã, phường quan tâm đúng mức.

Huyện Hậu Lộc có 2 tuyến sông là sông Lèn, sông Lạch Trường; 2 tuyến kênh là kênh De, kênh Trà Giang đi qua; có 9 bến đò chở khách ngang sông. Đồng chí Trịnh Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban ATGT huyện Hậu Lộc, cho biết: Hằng năm, huyện đều chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc, các đơn vị có liên quan, lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền các xã nơi có các tuyến sông, kênh đi qua tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, yêu cầu các chủ bến đò chở khách qua sông kiểm tra tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp; thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện; trang bị áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh..., khi có đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thì mới được phép hoạt động. Từ thực tế hoạt động của các phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn, huyện Hậu Lộc đề nghị UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh quan tâm ưu tiên kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng các bến đò ngang, như nhà chờ, kiên cố đường lên xuống... bảo đảm đồng bộ, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân bằng đường thủy.

Những năm qua, các lực lượng chức năng đã phối hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa. Trong đó, nổi bật là việc lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với nhiều phương tiện thủy, đò ngang chưa được cấp phép hoạt động, người lái đò chưa có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không bảo đảm an toàn. Các cầu phao dân sinh đã được chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đầu tư lắp đặt lan can cầu, sửa chữa, nâng cấp và thường xuyên kiểm tra độ an toàn... Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa chưa đến được với người dân. Hầu hết các bến đò khách ngang sông chưa đầu tư xây dựng nhà chờ cho khách, chưa có nội quy bến đò và chưa có bảng niêm yết giá do cấp có thẩm quyền quy định... Một số lái đò khách ngang sông chưa được đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn... Công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ phương tiện làm thủ tục ra hạn hoạt động của bến đò ngang; tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện chưa kịp thời.

Đồng chí Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: Để bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, Thường trực Ban ATGT tỉnh đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, phân loại phương tiện thủy trên địa bàn để đưa vào quản lý. Đồng thời, yêu cầu các chủ khai thác, vận hành cầu phao thường xuyên kiểm tra, khắc phục hư hỏng mặt cầu, chất lượng phao, dây neo cầu, đường lên xuống bảo đảm thuận tiện, lắp biển báo hiệu nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong quá trình đi lại; ngừng hoạt động khai thác cầu khi mực nước, dòng chảy trên các tuyến sông, kênh không bảo đảm an toàn. Chính quyền cấp xã, các chủ đò, chủ cầu phao trên địa bàn thực hiện ký cam kết bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển hành khách; trong đó, xác định trách nhiệm của chủ đò trong việc không cho đò xuất bến khi người tham gia giao thông không tuân thủ những quy định an toàn. Hàng năm chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, nhất là trong mùa mưa bão. Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia phối hợp giải quyết các tình huống và kịp thời ứng cứu nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra mất trật tự ATGT đường thủy nội địa. Các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa. Đồng thời, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện thủy không bảo đảm an toàn, không bảo đảm các thủ tục pháp lý theo quy định; nghiêm cấm việc sử dụng bè mảng để chở khách.

xuannguyen

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)