Người dân sinh sống gần các cửa biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, Cà Mau hằng ngày bất chấp nguy hiểm, dùng các loại phương tiện công suất nhỏ lén lút ra biển đánh bắt hải sản. Tình trạng này có chiều hướng gia tăng đến mức báo động, làm đau đầu các ngành chức năng trong công tác quản lý. Đặc biệt hơn, hiện đang là thời điểm bước vào mùa mưa bão, vấn đề này dấy lên hồi chuông báo động về nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông thuỷ.
Bất chấp nguy hiểm, nhiều phương tiện xuồng, máy công suất nhỏ
vẫn hằng ngày ra các cửa biển để đánh bắt thuỷ sản ven bờ
Có vị trí địa lý khá khác biệt so với các địa phương khác, huyện Ngọc Hiển như một cù lao có 3 mặt giáp biển. Với địa bàn rộng, hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều cửa sông nhỏ thông ra biển, việc quản lý ra vào cửa biển đối với người dân đánh bắt thuỷ sản gần bờ là hết sức khó khăn.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban An toàn giao thông huyện Ngọc Hiển, hiện trên địa bàn có trên 500 phương tiện thô sơ, không đăng ký đăng kiểm, hằng ngày thường xuyên ra, vào tại các cửa biển nhỏ. Họ không chịu sự kiểm soát của lực lượng biên phòng, chuyên đánh bắt các loài thuỷ sản ven bờ.
Theo ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, đây hiện là vấn đề rất nan giải đối với địa phương. Với địa hình có rất nhiều cửa sông thông ra biển, người dân tự phát trang bị phương tiện xuồng máy công suất nhỏ ra biển đánh bắt. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, có cả xử phạt, nghiêm cấm. Tuy nhiên, phần lớn người dân nơi đây nghèo, di cư từ nơi khác đến, vì mưu sinh nên họ bất chấp nguy hiểm.
Theo ghi nhận, hiện trên địa bàn xã Đất Mũi có gần 40 phương tiện xuồng, vỏ máy công suất nhỏ, không đăng ký đăng kiểm đánh bắt ven bờ, chủ yếu tập trung trên địa bàn ấp Mũi. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, quê Cần Thơ, hiện đang cư ngụ tại ấp Mũi. Hai cha con ông Hùng đã có thâm niên gần 10 năm sinh sống bằng nghề đặt lú, giăng lưới bắt các loài thuỷ sản ven cửa biển Khai Long.
Hằng ngày, cha con ông phải rong ruổi xuồng cách bờ khoảng 2-3 cây số thả lưới. Tuỳ vào thời tiết cũng như con nước, khi trúng ngày kiếm cũng được 500-600 ngàn đồng, còn những hôm thất chỉ kiếm đủ tiền xăng.
“Sóng to, gió lớn cỡ nào cũng phải đi. Chỉ trừ khi có bão, bộ đội biên phòng tuần tra kêu vào thì mới nghỉ thôi!”, anh Nguyễn Quốc Duẩn, con ông Hùng, chia sẻ.
Theo ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên sử dụng những phương tiện có công suất nhỏ ra cửa biển đánh bắt thuỷ sản. Tuy nhiên, tuyên truyền nhắc nhở chỉ là giải pháp tình thế, về lâu về dài cần hỗ trợ vốn để người dân sửa sang phương tiện hoặc chuyển đổi ngành nghề mới bền vững”.
Không riêng địa bàn huyện Ngọc Hiển mà tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thực trạng phương tiện công suất nhỏ lén lút đánh bắt thuỷ sản ven bờ đang hằng ngày diễn ra ở mức báo động. Nó vừa làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, đặc biệt là trong thời điểm vào mùa mưa bão. Việc thắt chặt quản lý phương tiện loại này tại các cửa biển là vấn đề bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương.