Cao Bằng: Báo động tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ

Thứ ba, 01/08/2017 08:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm gần đây, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất công trình đường bộ, hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông… Để hạn chế tình trạng trên, cần sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan.

Lực lượng chức năng giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông
đường Hồ Chí Minh, đoạn xóm Hòa Mục, xã Nà Sác (Hà Quảng)

Thực trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ gia tăng

  Theo thống kê của Sở GTVT Cao Bằng, toàn tỉnh hiện có 5.364km đường bộ. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông, trên các tuyến đường lớn, có mật độ xe đông như quốc lộ, tỉnh lộ, ngành chức năng đều bố trí HLATGT để mở rộng tầm nhìn cho người tham gia giao thông, tạo độ thoáng cần thiết và cũng là vị trí tránh nạn tạm thời trong trường hợp cần xử lý gấp khi đang tham gia giao thông. Song, trên thực tế tại các Quốc lộ 3, 4, 34, đường Hồ Chí Minh và các đường tỉnh… tình trạng người dân lấn chiếm, tái lấn chiếm đất công trình đường bộ, HLATĐB để kinh doanh diễn biến khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Qua tìm hiểu thực tế, dọc tuyến Quốc lộ 3 từ Thành Cao Bằng - Tà Lùng (Phục Hòa), tình trạng người dân sống hai bên đường vi phạm đất công trình đường bộ, HLATGT xảy ra phổ biến: cắm trụ, giăng bạt, làm mái che, mái vẩy, cắm biển quảng cáo, xây tường rào, xây nhà trên hành lang đường bộ, đất dành cho đường bộ. Nghiêm trọng nhất là đoạn qua xã Phúc Sen (Quảng Quyên), người dân ở đây tự ý nâng đất đổ trụ, xây nhà, dựng quán bán hàng ngay sát bên đường gây cản trở tầm nhìn cho người tham gia giao thông. Chỉ tính riêng từ Km308 - Km310, đoạn đỉnh đèo Lũng Tú thuộc xã Phúc Sen có trên 10 nhà dân dựng quán, nhà ở bên ta luy âm để kinh doanh.

Anh Nông Văn Hùng, xã Nguyễn Huệ (Hòa An) chia sẻ: Ngày nào tôi cũng chạy xe qua địa phận xã Phúc Sen. Khi đi qua đây, tôi phải rất thận trọng, quan sát trước, sau vì khu vực này có nhiều điểm khuất tầm nhìn, dân cư sống hai bên đường đông, khách qua lại dừng xe ra vào mua hàng nhiều. Mong các ngành chức năng sớm vào cuộc giải tỏa những lán bán hàng xây dựng trái phép, trả lại phần đất công trình đường bộ, HLATGT để những người tham gia giao thông như tôi không phải lo lắng khi qua khu vực này.

Cùng với tuyến Quốc lộ 3, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thị trấn Nước Hai và các xã Nam Tuấn (Hòa An), Nà Giàng (Hà Quảng); tuyến quốc lộ 34 đoạn qua Nà Bao, thị trấn Nguyên Bình, thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình), thị trấn Bảo Lạc, thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm), bên cạnh việc người dân lấn chiếm xây dựng các công trình tường rào, mái che, cắm biển quảng cáo, phơi thóc, vào các ngày chợ phiên, người dân bán hàng dọc mép đường, lấn xuống lòng đường, trong khi đoạn đường này khá nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện qua lại đông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Ngoài ra, ở nhiều địa phương còn tồn tại tình trạng tự ý đấu nối đường nhánh vào đường quốc lộ, đường tỉnh; đường dẫn ra, vào cửa hàng xăng dầu; đường nối từ đường chuyên dùng; đường nối trực tiếp từ các công trình đơn lẻ ra vào không đảm bảo khoảng cách theo đúng quy định, khuất tầm nhìn, không có biển báo… gây mất an toàn và tiềm ẩn tai nạn giao thông, làm giảm hiệu quả khai thác chung các công trình giao thông. 

Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT Bế Ích Hòa cho biết, vi phạm HLATĐB hiện tồn tại 3 dạng chính: Do lịch sử để lại; trước khi có Luật Giao thông đường bộ; vi phạm mới phát sinh. Trước năm 2016, Sở GTVT thực hiện rà soát các vi phạm HLATĐB, chỉ tính riêng các tuyến quốc lộ do Sở quản lý, gồm đường Hồ Chí Minh (Km0 - Km45; Km0 - Km7), Quốc lộ 4A (Km66 - Km101), Quốc lộ 34 (Km73 - Km247), Quốc lộ 4C (Km200 - Km217) đã có 567.368,8m2 đất vi phạm đất bảo trì đường bộ và 4.482.844,7m2 đất vi phạm đất hành lang đường bộ.

Để giải quyết các vi phạm trên, tỉnh cần 1.442 tỷ 891 triệu đồng đền bù đất và 1.569 tỷ 519 triệu đồng đền bù tài sản trên đất. Song, do chưa có kinh phí đền bù nên các vi phạm trên vẫn tồn tại. Đối với 299 vụ vi phạm phát sinh từ năm 2016 đến nay, ngành chức năng đã xử lý và khắc phục hậu quả dứt điểm 9 vụ, lập biên bản xử lý hành chính 60 vụ, phạt 40 triệu đồng. 

Nguyên nhân của thực trạng trên do công tác quản lý HLATĐB của các cơ quan quản lý đường bộ còn hạn chế; việc quản lý và cấp phép xây dựng của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan còn thụ động, trong khi ý thức của người dân về cấp phép xây dựng chưa cao; việc quản lý đất, giao rừng, quản lý sử dụng đất chưa tốt, đất HLATĐB trên địa bàn chưa được đền bù, việc quản lý xây dựng và canh tác của người dân trong phạm vi hành lang đường bộ còn nhiều bất cập. Việc lập kế hoạch đấu nối vào quốc lộ thực hiện chậm, các đấu nối trái phép và tự phát do lịch sử để lại khá phổ biến; công tác xử lý vi phạm chưa tốt; việc cắm mốc lộ giới và cọc giải phóng mặt bằng dọc theo tuyến chưa được thực hiện đồng bộ, đặc biệt trong quá trình cải tạo nâng cấp đầu tư xây dựng cơ bản không lập thủ tục thu hồi đất và bồi thường theo quy định đối với phần đất dọc theo hai bên đường bộ để quản lý bảo trì, bảo vệ công trình…

Cần giải pháp tổng thể

Theo Chánh Thanh tra Sở GTVT Lê Văn Định, trên thực tế, vi phạm đất công trình đường bộ, HLATGT diễn ra nhiều nơi, trong khi việc giải tỏa tình trạng vi phạm HLATĐB hiện gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ vi phạm tìm mọi cách chống đối lại các đơn vị chức năng khi bị xử lý vi phạm hành chính; trốn tránh khi có lực lượng chức năng đến xử lý, đến khi lực lượng chức năng đi khỏi lại tái diễn. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm HLATĐB chưa thực sự chặt chẽ; công tác tuyên truyền đến các hộ dân trong việc chấp hành pháp luật về HLATĐB chưa thường xuyên; nhận thức của một bộ phận người dân trong công tác bảo đảm lòng đường, vỉa hè, HLATĐB còn thấp.

Để bảo vệ HLATĐB, Thanh tra Sở GTVT đã chỉ đạo các đội Thanh tra giao thông phụ trách địa bàn huyện, Thành phố thường xuyên phối hợp với các địa phương phát hiện, lập biên bản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm HLATĐB; huy động nhân lực, máy móc, thiết bị phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan giải tỏa, cưỡng chế các công trình lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng lề đường, vỉa hè, HLATĐB kinh doanh buôn bán, họp chợ; chú trọng công tác tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ HLATĐB…

Từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện, xử lý 40 trường hợp vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, theo thẩm quyền lực lượng thanh tra giao thông chỉ có thể lập biên bản vi phạm hành chính, còn chức năng xử phạt, thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt là của UBND cấp huyện, xã. Trong khi đó, các đơn vị này chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý sử dụng đất dành cho đường bộ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, còn để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm HLATĐB. Bên cạnh đó, các quy định, mức xử phạt đối với hành vi lấn chiếm HLATĐB chưa đủ tính răn đe, dẫn đến hiệu lực xử phạt chưa cao.

Trong thời gian tới, để lập lại trật tự HLATĐB, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 6/5/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng về quản lý và bảo vệ HLATĐB trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền về HLATĐB, Luật Giao thông đường bộ, các văn bản pháp lý quy định về quản lý HLATĐB và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh lập quy hoạch các điểm đấu nối vào đường tỉnh, hướng dẫn trình tự, thủ tục đấu nối, cấp phép. Bố trí kinh phí cắm lại hệ thống mốc lộ giới, hệ thống cọc giải phóng mặt bằng để giao cho UBND xã quản lý khai thác. Tăng cường công tác tuần tra phát hiện những hư hỏng, vi phạm về HLATĐB, xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời xây dựng và hoàn thiện các cơ sở pháp lý về quản lý HLATĐB và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương.     

kieuanh

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)