Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Long An, toàn tỉnh hiện có 117 bến khách ngang sông (bến đò, phà) do tỉnh quản lý, trong đó, vùng Đồng Tháp Mười có trên 70 bến đò ngang được cấp phép. Ngoài ra, còn có
11 bến hoạt động không giấy phép, trong đó có cả bến đò dọc. Các bến đò ngang, dọc "3 không" vẫn đang hoạt động đưa rước khách, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Năm học 2017-2018 sắp đến, việc bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho các bến đò ngang, dọc là điều cấp thiết.
Những bất cập
Phóng viên có mặt tại bến đò Tân Thiết trên kênh 12, Quốc lộ (QL) 62 nối xã Tân Thành với xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Đây là bến đò hoạt động thường xuyên, vào năm học, chủ phương tiện còn đưa rước học sinh đi học từ xã Tân Thành qua Trường Tiểu học Nguyễn Thị Tám, xã Tân Lập.
Hành khách qua đò Sáu Dồn không mặc áo phao
Anh Huỳnh Văn Rí, người dân ở gần bến đò cho biết: "Tôi thấy người qua phà, kể cả học sinh không ai mặc áo phao. Do phà quá sát QL62 nên độ dốc rất cao, nhất là khi nước ròng thấp và khi trời mưa, đường trơn trợt. Những ngày học sinh đi học, tôi thấy có lúc trên phà có đến 30-40 học sinh, rất nguy hiểm!".
Bến đò Sáu Dồn là bến đò khá lớn, nối xã Bình Hòa Trung và xã Tân Lập qua sông Vàm Cỏ Tây, khu vực này sông rộng, tàu bè qua lại nhộn nhịp; tuy nhiên, áo phao cũng được xếp gọn gàng trên nóc phà.
Một người trong gia đình ông Nguyễn Văn Bình - chủ bến đò Sáu Dồn, cho biết: "Do gần QL62 và Đường tỉnh 817 nên khi khách có nhu cầu thì đò chở luôn xe ôtô", mặc dù đò không được phép chở ôtô. Một cán bộ công tác tại huyện Mộc Hóa cho biết, có khá nhiều bến đò qua sông Vàm Cỏ Tây vẫn chở xe ôtô (mặc dù chưa có bến nào được cấp phép), trong đó có cả xe biển số xanh.
Theo ông Bùi Văn Hưng, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng: "Tôi đề nghị các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho các em. Các bậc cha mẹ phải quan tâm, không để các em đến khu vực sông nước, bảo đảm an toàn cho các em".
Theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực ATGT huyện Mộc Hóa - Phạm Đăng Khoa, trên địa bàn huyện, số bến khách ngang sông (chủ yếu trên sông Vàm Cỏ Tây) hiện giảm nhiều do có cầu treo dây văng Bình Phong Thạnh. Tuy nhiên, bến đò đưa rước học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Vinh (hoạt động trong năm học) là đáng lo ngại vì chưa bảo đảm ATGT theo quy định (chủ bến không chịu đăng ký, đăng kiểm). Các bến còn lại đều trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh, thường xuyên được kiểm tra, nhất là trước năm học mới.
Trên địa bàn huyện cũng có những trường hợp tự phát đưa đò ngang, dọc phục vụ nhu cầu của một bộ phận người dân, học sinh, một số bến thu tiền ban đêm qua sông khá cao (cử tri có phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri). Huyện Mộc Hóa xây dựng mô hình "Bến đò an toàn" tại xã Bình Hòa Đông, thời gian qua, hoạt động hiệu quả; thời gian tới, Ban ATGT huyện sẽ nhân rộng mô hình này.
Tăng cầu - giảm đò
Theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực ATGT huyện Tân Thạnh - Trần Thị Kim Oanh, đến thời điểm này, Tân Thạnh giảm một nửa số bến đò so với năm 2016 (chỉ còn 7/14 bến); tuy nhiên, qua kiểm tra gần đây, chỉ còn 5 bến hoạt động cầm chừng do có cầu giao thông nông thôn (GTNT) được xây dựng kiên cố. Phấn đấu đến năm 2018, toàn huyện Tân Thạnh sẽ không còn đò.
Bến đò không phép xã Thạnh Phước
Huyện Mộc Hóa cũng áp dụng giải pháp "tăng cầu - giảm đò", theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, đến nay, nhiều cầu GTNT được xây dựng, ngày 05/8/2017, huyện tổ chức khánh thành cầu nối xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa và xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, học sinh.
Bên cạnh việc "tăng cầu - giảm đò", hiện nay, xuất hiện nỗi lo là khi hoàn thành tuyến đường GTNT nhưng chưa có cầu, lại phát sinh bến đò ngang không phép, do nhu cầu đi lại của người dân.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện kiêm Phó Trưởng ban ATGT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Thu Hồng thông tin: “Trên địa bàn huyện, đặc biệt tại xã Thạnh Phú, Thạnh Phước, xuất hiện 4 bến đò không phép do có đường GTNT nhưng chưa có cầu. Ngoài ra, nỗi lo nhất của Ban ATGT huyện là tình trạng 3 bến đò dọc tại xã Thạnh Phước (đưa rước công nhân đi làm và học sinh đi học), chiều dài trên 20km, đò đi dọc sông Vàm Cỏ Tây, gần đây, xuất hiện nhiều hộ dân trồng lục bình, che khuất tầm nhìn của lái đò, gây mất ATGT".
Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thạnh Hóa kiến nghị: Cơ quan chức năng tỉnh và Trung ương xem xét không cấp phép cho các bến đò dọc theo QLN2, Đường tỉnh 836 (địa bàn thị trấn Thạnh Hóa và xã Thủy Tây) vì khoảng cách từ mặt nước đến đường quá gần nên đường dẫn rất cao, gây nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khi hành khách lên, xuống bến. Đặc biệt, nhằm hạn chế tình trạng tranh giành, đưa rước khách, cơ quan chức năng cần quy hoạch chi tiết giao thông thủy, bộ,...
Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Long An - Đinh Công Khanh cho biết: Cảng vụ Đường thủy nội địa dự kiến tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa các huyện vùng Đồng Tháp Mười trong tháng 8/2017, để chủ bến thủy nội địa, chủ bến khách ngang sông và người lái phương tiện biết, chấp hành đúng quy định pháp luật, bảo đảm ATGT khi hoạt động bến./.