Trước diễn biến phức tạp của mùa mưa lũ năm nay, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh An Giang đã yêu cầu các ngành và địa phương chủ động phòng, tránh tai nạn đường thủy. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần nhanh chóng triển khai trong thời gian tới.
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang Lê Việt Cường cho biết: “Từ đầu năm tới nay, tình hình ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo tốt. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn đường thủy và số người thương vong đã giảm. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan trước những con số mà phải chủ động phòng, tránh tai nạn giao thông đường thủy (TNGTĐT), nhất là trong điều kiện nước lũ lên nhanh và dự báo sẽ cao hơn các năm”.
An Giang là tỉnh đầu nguồn của ĐBSCL với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt đã tạo nên mạng lưới giao thông đường thủy (GTĐT) nhộn nhịp. Do đó, Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu ngành chuyên môn đẩy mạnh công tác kiểm tra đối với các phương tiện GTĐT, nhất là 134 bến đò, bến khách ngang sông và 11 bến phà. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, An Giang đã xây dựng kế hoạch 5 năm về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa gắn với văn hóa giao thông bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020. Trong mùa mưa lũ năm nay, Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn” - ông Lê Việt Cường thông tin thêm.
Các bến đò, bến khách ngang sông phải đảm bảo an toàn theo quy định
Ngày 1/8, Ban ATGT tỉnh đã có công văn yêu cầu ngành chuyên môn và địa phương tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa lũ. Theo đó, lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) sẽ kiểm tra toàn bộ các bến đò, bến khách, yêu cầu chủ khai thác chấp hành quy định về vận tải hành khách qua sông. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đường thủy, như: Phương tiện không đảm bảo an toàn, chở quá số người quy định, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn… Đối với lực lượng Cảnh sát GTĐT (Công an tỉnh) cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển hành khách, chấp hành nghiêm quy định về hạn chế tải trọng mùa mưa lũ (giảm 10% tải trọng). Đặc biệt, kiên quyết không cho phương tiện xuất bến khi thời tiết đang có mưa to, giông dù có đảm bảo đầy đủ yêu cầu theo quy định.
“Chúng tôi cũng yêu cầu Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ và xử lý theo thẩm quyền đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy. Kiên quyết đình chỉ đối với người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, không cho phương tiện xuất bến khi hành khách không mặc áo phao đầy đủ hoặc không dùng dụng cụ nổi cứu sinh… Đối với những địa phương thu hút đông du khách trong, ngoài nước phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chấp hành tốt những quy định về ATGT đường thủy khi tham gia vận chuyển hành khách…” - ông Lê Việt Cường cho hay.
Trong thời điểm nước lũ đang lên nhanh, công tác tuyên truyền về phòng, tránh TNGTĐT cần được quan tâm đặc biệt. “Mức độ thiệt hại của TNGTĐT rất nghiêm trọng nên chúng tôi đề cao tinh thần phòng, tránh là chủ yếu. Khi xảy ra tai nạn giao thông trên sông hay kênh, rạch thì công tác ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, khi hành khách được trang bị áo phao và dụng cụ nổi đầy đủ sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người nếu tình huống xấu xảy ra” - ông Lê Việt Cường phân tích.
Hiện tại, công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa lũ cũng cần được các địa phương đầu nguồn thực hiện tốt. Thời điểm các em bước vào năm học mới cũng là khi nước lũ dâng cao. Do đó, gia đình, nhà trường phải đề cao tinh thần cảnh giác trong việc đưa đón con em đi học, nhất là những khu vực ngập sâu. “Chúng tôi đã hỗ trợ 3.000 dụng cụ nổi cứu sinh cho các địa phương sử dụng trong năm 2016. Hướng tới, chúng tôi mong muốn xã hội sẽ cùng với Ban ATGT tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động này. Thực tế, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa lũ rất quan trọng bởi theo tình hình mực nước tăng từ 8 đến 10cm/ngày như hiện nay sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các em. Nếu có thể hỗ trợ cặp phao cho trẻ em vùng lũ thì sẽ rất hữu ích và ý nghĩa” - ông Lê Việt Cường nhận định.