Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng người dân vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt tại một số khu vực, dẫn đến các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng, ngành đường sắt cũng như chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để lập lại TT ATGT cho các khu vực này.
Nút giao cắt giữa đường sắt và đường ngang dân sinh trên địa bàn xã Yên Lập (Vĩnh Tường)
có mật độ xe qua lại cao, biển báo chưa rõ ràng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT
Những năm qua, tình hình vi phạm TT ATGT đường sắt tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh luôn là vấn đề đáng quan tâm do tồn tại nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh với chiều dài trên 32km, có 10 điểm đường ngang có gác, 6 điểm đường ngang cảnh báo bằng biển báo, 16 lối dân sinh trái phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Đáng chú ý, tại nhiều điểm như: Điểm giao cắt đường vào xóm Khâu, phường Tích Sơn tại km54+687; km43+ 265 địa bàn xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên); Km66+ 860 địa bàn xã Yên Lập (Vĩnh Tường)... đã trở thành những “điểm đen” khi có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Đường ngang dân sinh tại Km66+ 860 trên địa bàn xã Yên Lập (Vĩnh Tường) những năm qua luôn được coi là một trong những “điểm đen” về TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh do đây là tuyến đường chính của người dân địa phương. Hàng ngày, lượng phương tiện và người phải di chuyển qua tuyến đường này với mật độ dày đặc, trong khi đó, tại đây không hề tồn tại rào chắn, đèn báo tín hiệu hay người canh gác khiến cho tình hình giao thông trên tuyến đường này ngày càng trở nên phức tạp. Đồng chí Phùng Thành Công, Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết: Trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt khi đi qua đoạn đường này bắt nguồn từ việc tại đây không có rào chắn hay đèn báo tín hiệu và một phần do ý thức người dân. Chính quyền và nhân dân địa phương rất mong tuyến đường này có thể được đầu tư rào chắn để đảm bảo cho con em địa phương đến trường mỗi ngày được an toàn, nhân dân đi lại giao thương thuận tiện.
Trước nguy cơ mất AT GTĐS, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Vĩnh Phú và các địa phương triển khai nhiều biện pháp khắc phục như: Giải tỏa cây cối che khuất tầm nhìn hai bên đường bộ đi vào đường sắt, sửa chữa lại một số biển báo hỏng, bổ sung biển báo bị mất, vạch sơn, kẻ đường, rào chắn các lối đi, xây dựng các tuyến đường gom để tập trung người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa… Kiên quyết xử lý các công trình kiến trúc, nhà ở xây dựng trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ ATGT đường sắt; tổ chức ký cam kết không vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đối với 7.150 hộ kinh doanh ven đường, hộ có phương tiện giao thông, các cơ sở kinh doanh. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Đường sắt trong các trường học, tập trung tại các trường học gần tuyến đường sắt chạy qua; phát tờ rơi, giao lưu, gặp gỡ, phát động phong trào “ Thiếu nhi bảo về ATGT đường sắt” nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước, nâng cao nhận thức, tạo niềm tin, thiện cảm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường đối với công tác bảo đảm ATGT đường sắt. Phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành, thị thường xuyên rà soát các điểm, đoạn đường có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao để tiến hành cải tạo như bổ sung biển báo hiệu, đèn tín hiệu, sơn vạch kẻ đường, tôn hộ lan, gờ giảm tốc nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Hiện, Sở Giao thông vận tải đã khảo sát và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính thẩm định nguồn vốn để xây dựng 16 chốt đèn tín hiệu chỉ huy giao thông; 26 nút giao thông cần lắp đặt đèn nhấp nháy cảnh báo giao thông.
Mặc dù công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm TT ATGT trên địa bàn tỉnh thời gian qua được chỉ đạo thực hiện ráo riết, song, một số đơn vị chưa tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các giờ cao điểm thường xảy ra TNGT, chưa thực sự chú trọng công tác tuần tra lưu động. Trong khi đó, trang thiết bị, phương tiện, công cụ, kinh phí phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, nhất là đối với cấp huyện còn thiếu. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về TT ATGT, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về TT ATGT chưa có chiều sâu, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của TT ATGT đường sắt, lập lại trật tự kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang ATGT đường sắt, góp phần giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành chức năng thực hiện quy chế phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch tháng cao điểm tuyên truyền, vận động thực hiện quy định của pháp luật và xử lý vi phạm về TT ATGT đường sắt, trong đó: Tập trung xử lý hành vi lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường sắt; phá hoại công trình giao thông đường sắt, đấu nối trái phép vào quốc lộ…; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên đường tỉnh, đường huyện, đường nông thôn từ nguồn kinh phí Quỹ bảo trì đường bộ và nguồn vốn xây dựng giao thông nông thôn; huy động các đoàn thể, chính trị - xã hội tổ chức đội tự quản, tình nguyện cảnh giới tại các lối đi dân sinh tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT; huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách để xây dựng đường gom, xóa lối đi dân sinh và rào chắn ngăn cách đường sắt với khu dân cư có đường sắt đi qua theo đúng quy định của pháp luật.