Để tăng cường bảo đảm trật tự ATGT, bảo vệ hệ thống đường nông thôn, nhất là trong điều kiện toàn tỉnh đã huy động người dân đóng góp nguồn lực để tu sửa, xây dựng đường mới, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng và các huyện phải nâng cao trách nhiệm quản lý, tăng cường xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện tại địa phương; chủ động sắp xếp, bố trí vị trí tạm giữ phương tiện, kho bãi để hạ tải.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp, hỗ trợ các địa phương tập trung xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm xe quá khổ, quá tải ở địa bàn nông thôn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra, xử lý xe quá tải
tại khu vực cầu Tân Phong (TP Nam Định)
Ngành GTVT đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý, không đưa vào lưu thông các phương tiện cơi nới thùng hàng ngay từ khâu đăng kiểm; yêu cầu các đơn vị thi công, đơn vị cung cấp vật liệu cho các dự án phải cam kết thực hiện vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng. Hai ngành GTVT và Công an tỉnh đã phối hợp thành lập đội kiểm soát lưu động, sử dụng cân xách tay để hỗ trợ các địa phương nâng cao hiệu quả kiểm soát xe quá khổ, quá tải. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện xử lý vi phạm tải trọng đối với các loại xe ô tô tải, xe ô tô đầu kéo rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc, xe công-ten-nơ, xe siêu trường, siêu trọng trên tất cả các tuyến đường bộ thuộc địa bàn tỉnh, kể cả đường huyện, đường xã, tạo sự kiểm soát liên hoàn, chặt chẽ. Tăng cường kiểm soát vi phạm trên các tuyến quốc lộ, các tuyến giao thông cửa ngõ, hạn chế tối đa tình trạng xe vi phạm từ các tỉnh ngoài lọt trạm kiểm soát.
Các huyện đã tổ chức các chiến dịch kiểm tra, rà soát và tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe ký cam kết không chở hàng hóa quá tải trọng, không vi phạm cơi nới kích thước thùng xe, không xếp hàng hóa quá tải trọng; vận động nhân dân phát hiện các vi phạm về vận tải hàng hóa quá khổ, quá tải, kịp thời báo tin cho các cơ quan chức năng xử lý.
Ngoài ra, các huyện đã tiến hành các đợt thống kê số lượng xe vận tải trên địa bàn huyện, phân loại và nắm bắt lịch trình tuyến đường, quy luật hoạt động của số xe tải trọng lớn để có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại tình trạng xe quá tải vi phạm chủ yếu tại các tuyến giao thông nông thôn đi hoặc từ Hà Nội về địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, dù không có nhà máy, các mỏ vật liệu lớn tập trung nhưng trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều bến bãi, đầu mối bốc xếp hàng hóa tại các bến thủy nội địa dọc các con sông lớn trên địa bàn tỉnh.
Trong khi hiệu quả xử lý vi phạm tại khu vực bến bãi, đầu nguồn hàng còn hạn chế; các chủ bến bãi hầu hết là tư nhân, chưa thực sự có trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát hoạt động bốc xếp hàng hóa, không có sổ sách theo dõi việc bốc xếp hàng hóa và tìm mọi cách né tránh, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra. Vì vậy, tại không ít huyện vẫn còn tình trạng các xe quá tải chở tới hàng trăm tấn xi măng, hàng chục khối gỗ thường xuyên tái diễn vi phạm vào ban đêm.
Tình trạng xe chở hàng quá tải hoạt động khiến nhiều tuyến đường nông thôn cấp kỹ thuật thấp nhanh xuống cấp, nhiều tuyến đường bị “đe dọa” rút ngắn tuổi thọ. Nhiều tuyến giao thông nông thôn vừa đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mới đưa vào sử dụng hằng ngày phải oằn mình chịu quá tải gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi thiết kế. Riêng tại Ý Yên, hầu hết các tuyến giao thông trục huyện và đường đê đều bị hư hỏng, xuống cấp nhanh mà nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng các xe chở vật liệu xây dựng chở quá tải hoạt động liên tục.
Để giải quyết thực trạng trên, tại hội nghị triển khai công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng cuối năm 2017, UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các ngành, các địa phương phải tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm sớm xử lý triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến giao thông nông thôn.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh): Phòng đã tham mưu cho Công an tỉnh cung cấp số điện thoại đường dây nóng (069.2741.026) để người dân kịp thời phản ánh những vi phạm trật tự ATGT nói chung, xe quá tải nói riêng cho lực lượng chức năng kịp thời xử lý. Ngoài số điện thoại đường dây nóng của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, các huyện, thành phố đều có số điện thoại đường dây nóng riêng và bố trí cán bộ, chiến sĩ thường trực kịp thời xác minh, kiểm tra, xử lý những phản ánh của người dân. Các đội Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, Thành phố Nam Định đều được trang bị cân xách tay kiểm tra lưu động và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tải trọng.
Không chỉ siết chặt xử lý vi phạm tại trạm cân, Thanh tra Sở GTVT cũng tăng cường kiểm tra lưu động để hạn chế tối đa các xe vi phạm né trạm cân. Thành lập các đội Thanh tra giao thông lưu động, mỗi đội 5-6 người, luân phiên hằng tuần trang bị cân xách tay, mật phục kiểm tra, xử lý các xe quá tải né tránh trạm cân chạy trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các xe chở vật liệu xây dựng xuống các huyện phía nam tỉnh... Qua đó đã phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định hàng loạt xe vi phạm chở quá tải ở mức trên 50-100%. Đối với mỗi trường hợp vi phạm, ngoài việc lập biên bản xử lý tài xế, Thanh tra giao thông còn lập biên bản xử phạt chủ xe về hành vi để cho lái xe điều khiển phương tiện chở hàng quá tải. Về phía các huyện, hiện nay cũng chủ động tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện xếp hàng quá khổ, quá tải ngay tại bến bãi, bến thủy nội địa, bãi khai thác vật liệu xây dựng và áp dụng mức xử phạt cao nhất để tăng tính răn đe.
Thời gian tới, hai ngành GTVT và Công an tỉnh sẽ phối hợp liên ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động 100% các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải và chủ các bến cảng, mỏ khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, cam kết thực hiện việc xếp hàng, chở hàng đúng tải trọng, không tự ý cơi nới, thay đổi kích thước thành, thùng xe và tự giác cắt phần thành, thùng xe vi phạm. Tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp trong phát hiện, xử lý vi phạm giữa ngành chức năng và các địa phương.
Về lâu dài, các huyện chỉ đạo cấp xã tăng cường tham gia giám sát, phối hợp cùng cơ quan chức năng tuyên truyền và ngăn chặn xe ô tô chở hàng vượt quá tải trọng cho phép hoạt động trên các tuyến đường xã để hỗ trợ tối đa các cơ quan chức năng xử lý triệt để xe quá khổ quá tải hoạt động trên các tuyến đường nông thôn của tỉnh. Thực hiện khen thưởng nhằm khuyến khích nhân dân, chính quyền thôn, xóm tham gia hiệu quả công tác phòng chống, phát hiện, tố giác vi phạm quá tải để huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân, thiết lập hệ thống phòng chống vi phạm phương tiện vận tải quá khổ, quá tải vững chắc quyết tâm ngăn chặn xe quá khổ, quá tải lén lút hoạt động, bảo vệ hạ tầng giao thông nông thôn vì sự phát triển kinh tế - xã hội./.