Thực hiện chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQVN tỉnh với Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, các cấp Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực, có hiệu quả, từ đó góp phần hữu hiệu trong việc nâng cao nhận thức của người dân, giảm thiểu tai nạn giao thông, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Ông Phạm Đức Thương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình cho biết: Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được Ủy ban MTTQVN tỉnh triển khai thực hiện từ nhiều năm trước. Đặc biệt là sau khi ban hành Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQVN tỉnh và Ban ATGT tỉnh về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”, công tác này càng được đẩy mạnh. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận luôn xác định tuyên truyền, vận động là công việc thường xuyên, lâu dài.
Ý thức chấp hành luật lệ ATGT của một bộ phận người dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh vẫn còn nhiều hạn chế.
Để giúp người dân hiểu được những nội dung cơ bản về TTATGT, đưa văn hoá giao thông vào đời sống và phát triển thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên và chỉ đạo Mặt trận các cấp trong tỉnh tổ chức hội nghị mặt trận, các đoàn thể và khu dân cư.
Qua đó triển khai công tác tuyên truyền, lấy đội ngũ cán bộ mặt trận và lãnh đạo các tổ chức thành viên làm nòng cốt trong công tác vận động nhân dân chấp hành luật ATGT. Quá trình triển khai, hệ thống Mặt trận các cấp đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trực tiếp tuyên truyền đến từng người dân ở khu dân cư cũng như các hội viên, đoàn viên thuộc tổ chức của mình.
Công tác tuyên truyền, vận động được Mặt trận các cấp tiến hành thường xuyên, liên tục, để không ngừng nâng cao nhận thức, hành động của mỗi người dân khi tham gia giao thông. Nội dung tuyên truyền được chú trọng triển khai vào việc thực hiện nếp sống văn hoá giao thông, gắn với thực hiện nếp sống văn hoá nói chung; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, cách ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông; tác hại của rượu, bia đối với sức khoẻ và trật tự xã hội, đặc biệt là nguy cơ gây tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia khi lái xe.
Mặt khác, tuyên truyền tới mọi người dân về Luật Giao thông đường bộ, sự cần thiết phải đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy; vận động nhân dân nêu cao tinh thần tự giác tham gia bảo vệ các công trình giao thông và hành lang ATGT; kiên quyết ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định về ATGT...
Bên cạnh việc tuyên truyền, Mặt trận các cấp trong tỉnh còn thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giám sát của nhân dân trong việc xây dựng các công trình giao thông, nhất là sự giám sát của các ban giám sát đầu tư cộng đồng; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các vụ vi phạm pháp luật về ATGT, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Để góp phần bảo đảm TTATGT, Mặt trận luôn xác định tuyên truyền, vận động là công việc thường xuyên, lâu dài.
Thêm vào đó, Ủy ban MTTQ tỉnh còn quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo đảm TTATGT. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình “Khu dân cư văn hoá ATGT” tại hầu hết các khu dân cư trong toàn tỉnh. Các mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo đảm TTATGT.
Theo ông Phạm Đức Thương, dù đã có nhiều cố gắng, song việc tham gia giữ gìn TTATGT của Mặt trận còn gặp những khó khăn nhất định, do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân chưa cao. Tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán tại một số tuyến đường vẫn tái diễn.
Thời gian tới, Ủy ban MTTQVN tỉnh sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; phối hợp với tổ chức Mặt trận các huyện, thành phố chọn những cơ sở và khu dân cư có nhiều nguy cơ mất ATGT để làm điểm chỉ đạo tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình phù hợp; tiếp tục đưa nội dung bảo đảm TTATGT vào tiêu chí xây dựng, bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá“, “Khu dân cư văn hoá”...