Bắc Kạn: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thứ sáu, 29/09/2017 08:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thì đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chính là một giải pháp hiệu quả góp phần kiềm chế tai nạn và những vi phạm về trật tự an toàn giao thông...

Công tác tuyên truyền được tăng cường

Tuyên truyền, vận động chính là khâu khởi đầu của quá trình áp dụng pháp luật và là điều kiện cơ bản để nâng cao hiệu quả trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cảnh sát giao thông luôn là lực lượng nòng cốt, tích cực chủ động phối hợp với các ban, ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông luôn chủ động nắm chắc tình hình trật tự an toàn giao thông, tham mưu kịp thời cho Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh đề ra các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông; phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, thu hút hàng nghìn lượt giáo viên và học sinh tham gia…

Ngày hội "Thanh niên với văn hóa giao thông" tổ chức tại Trường THPT Na Rì

Năm 2017 là năm An toàn giao thông có chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngay từ đầu năm. Các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền tại các thôn, bản, lồng ghép phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự giao thông đường bộ - đường thủy trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt và thông qua các cuộc vận động “Toàn dân tham gia đảm bảo TTATGT”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Tỉnh đoàn tổ chức ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”, thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu kiến thức phát luật về trật tự an toàn giao thông trong thanh thiếu niên, học sinh - sinh viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh…

Các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bắc Kạn, Công an tỉnh, cơ quan thông tin các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tuyên truyền tập trung vào các nội dung như: Chấp hành quy tắc giao thông, thực hiện nghiêm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, mặc áo phao khi đi thuyền; quản lý và bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông.

Cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, mặc dù có nhiều cố gắng song công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa thật đổi mới, thời lượng tuyên truyền còn hạn chế, hình thức và nội dung tuyên truyền chưa phong phú. Nhiều đơn vị chưa chủ động, thường xuyên trong triển khai các hoạt động tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông, một số nội dung tuyên truyền đôi khi còn chung chung, đơn điệu và chưa bám sát thực tiễn địa bàn, chưa phù hợp với đối tượng được tuyên truyền…

Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ chủ yếu tập trung ở lứa tuổi thanh niên (từ 18 tuổi - 30 tuổi) song thực tế đây lại là nhóm đối tượng ít tiếp nhận được thông điệp tuyên truyền. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông thường lồng ghép trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt tại các thôn, xóm. Tuy nhiên, tại những cuộc họp, sinh hoạt ở nơi cư trú đa phần lại là những người cao tuổi trong gia đình đại diện tham dự, như vậy nhóm đối tượng cần hướng đến lại không được nghe phổ biến. Mặc dù được triển khai qua nhiều kênh thông tin, song công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Điều này thể hiện rõ qua tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn ở mức cao, tai nạn giao thông trên địa bàn vẫn chưa thể kiềm chế.

Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả việc phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới mọi tầng lớp nhân dân nhằm kéo giảm tai nạn và giảm vi phạm trật tự an toàn giao thông là điều cần thiết. Đây cũng chính là yêu cầu mà UBND tỉnh đặt ra trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về an toàn giao thông giai đoạn 2017-2020. Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2020, có 97% người tham gia giao thông được phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn giao thông, 95% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe, 100% lãnh đạo các cấp chính quyền được tuyên truyền về an toàn giao thông, biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.

Để đạt mục tiêu nói trên, mỗi ngành và địa phương cần có nội dung và phương pháp tuyên truyền khác nhau, phù hợp với thực tế địa bàn, không nên rập khuôn máy móc. Đổi mới hình thức tuyên truyền, xác định rõ về nội dung cho phù hợp với từng nhóm đối tượng và thời điểm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, chồng chéo. Các hình thức, loại hình tuyên truyền cần cụ thể, sâu sắc về nội dung, sinh động hấp dẫn trong cách thể hiện và mang giá trị nghệ thuật nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự giao thông cho mọi đối tượng. Có như vậy, mới đạt hiệu quả trong việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông, là biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững nhất./.

kimcuc

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)