Nhìn lại tháng cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Bắc Ninh

Thứ hai, 16/10/2017 16:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong tháng cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) tháng 9, dù Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cũng như các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến tương đối phức tạp.

Trên tuyến đường bộ vẫn xảy ra đến 14 vụ TNGT, làm chết 9 người, bị thương 4 người. So với tháng trước tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nói về nguyên nhân thì có nhiều nhưng nguyên nhân hàng đầu vẫn là do ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế.

Theo Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh, một trong những nguyên nhân hàng đầu làm ảnh hưởng đến tình trạng tai nạn giao thông tăng cao trong tháng 9 vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người điều khiển phương tiện giao thông còn kém. Người tham gia giao thông vẫn còn vi phạm về tốc độ, đi sai làn đường, chuyển làn không đúng qui định; uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm, vượt tín hiệu đèn… Tháng 9 lại là tháng có đặc thù lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, nhất là vào giờ cao điểm, do trường học các cấp đồng loạt khai giảng, bước vào năm học mới.

Qua đánh giá tình hình trật tự ATGT trong tháng 9 có thể nhận thấy, ý thức của người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng mang tính quyết định đến việc bảo đảm TTATGT. Nếu chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng có nỗ lực đến đâu đi nữa, có triển khai bao nhiêu giải pháp chăng nữa nhưng người tham gia giao thông không chấp hành đúng các quy định về ATGT, không tự giác bảo vệ mình, bảo vệ mọi người trong tham gia giao thông thì số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương vẫn khó lòng kéo giảm được.

Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh cưỡng chế, thu giữ biển quảng cáo
vi phạm hành lang ATGT (ảnh minh họa)

Hưởng ứng tháng cao điểm bảo đảm TTATGT năm 2017 theo chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, ngay từ giữa tháng 8, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu với tỉnh ban hành các Chỉ thị, kế hoạch bám sát nội dung chỉ đạo về bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường đồng thời triển khai đầy đủ, kịp thời các kế hoạch, văn bản chỉ đạo đến các đơn vị, địa phương.

Đến thời điểm này có thể khẳng định, chưa khi nào công tác tuyên truyền về TTATGT, văn hóa giao thông (VHGT) lại được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp như trong Tháng ATGT vừa qua. Ngay khi có kế hoạch, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị, địa phương đều đồng loạt nhập cuộc nhanh chóng với quyết tâm cao. Ngoài việc đồng loạt ra quân hưởng ứng bảo đảm TTATGT và tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hành lang ATGT đường bộ từ những ngày đầu của tháng, các địa phương, đơn vị còn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền. Từ việc tăng cường tuyên truyền pháp luật về TTATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng đến việc tổ chức tuyên truyền bằng xe ô tô, băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường. Một số ngành như Giáo dục và Đào tạo còn tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục ATGT; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 15 buổi chiếu phim về ATGT cho các trường học, các xã, phường thị trấn; Phòng CSGT (Công an tỉnh) tuyên truyền, phát mũ bảo hiểm cho học sinh của các trường THCS…

Lực lượng chức năng của tỉnh còn đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về TTATGT trên các tuyến đường. Chỉ riêng trong tháng cao điểm, lực lượng chức năng của tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính gần 2 nghìn trường hợp vi phạm, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 1,3 tỉ đồng.

Với những hoạt động tương đối rộng khắp và toàn diện, có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, đi kèm là việc kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đã có tác động nhất định đến ý thức người điều khiển phương tiện trong tháng cao điểm bảo đảm TTATGT. Tuy nhiên, thực trạng TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn phức tạp. TNGT chưa giảm, ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm còn xảy ra, nhất là ùn ứ cục bộ trên những tuyến trọng điểm như chân cầu Bồ Sơn, Quốc lộ 18... Một số địa phương còn để xảy ra TNGT tăng cao như Thuận Thành, Yên Phong, thị xã Từ Sơn. Vi phạm về TTATGT được lực lượng chức năng xử lý nghiêm và ráo riết nhưng vẫn chưa giảm... Và điều đáng nói nhất là VHGT chưa hình thành rõ nét, chưa có bước chuyển mạnh, đặc biệt trong đối tượng thanh thiếu niên. Công tác tuyên truyền tuy được tiến hành rầm rộ nhưng chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa phát huy được vai trò của từng cá nhân và gia đình trong xã hội…

Để tình hình TTATGT trên địa bàn được bảo đảm trong thời gian tới thì ngoài việc phát huy những kết quả đã triển khai, làm được trong tháng cao điểm cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT một cách sâu rộng tới toàn xã hội, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên; sớm hình thành VHGT cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cùng với đó lực lượng chức năng của tỉnh cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, tăng tính răn đe đối với người tham gia giao thông cố tình vi phạm quy định về TTATGT.

hoavt

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)