Với chủ đề năm 2017 là “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên (TTN)”, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều giải pháp nâng cao ý thức chấp hành quy định an toàn giao thông (ATGT) cho đối tượng này. Tuy nhiên, qua đánh giá, tình trạng TTN vi phạm ATGT vẫn diễn ra phổ biến.
Lực lượng công an tuyên truyền pháp luật về ATGT tại Trường THPT Sơn Động số 1
Vi phạm tràn lan
Theo quan sát của phóng viên tại khu vực cổng một số trường THPT, THCS và ngã tư thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) ngày 18/10, tình trạng học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành quy định của đèn tín hiệu diễn ra nhan nhản. Thậm chí có tốp dàn hàng ba, bốn trên đường. Được biết, từ đầu năm đến nay, Công an huyện lập biên bản hơn 300 trường hợp đi xe máy điện, xe đạp điện vi phạm ATGT, trong đó chủ yếu là xử phạt cảnh cáo hoặc mức phạt 50% đối với các lỗi theo quy định do người điều khiển phương tiện dưới 16 tuổi.
Tại TP Bắc Giang, tình trạng TTN vi phạm quy định khi tham gia giao thông cũng diễn ra phổ biến. Từ hệ thống camera giám sát giao thông tại ngã tư đường Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, trung bình mỗi ngày, Công an TP phát hiện khoảng 90 trường hợp vi phạm đèn tín hiệu, không đội mũ bảo hiểm điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp điện. Quan sát trên hệ thống, khoảng 50% số người vi phạm ở độ tuổi TTN. Đáng chú ý, nhiều trường hợp điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm cho người đi đường.
Đơn cử như vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra đêm 24/8, tại Quốc lộ 17, đoạn qua xã Song Mai (TP Bắc Giang). Do đi với tốc độ lớn nên vụ tai nạn khiến ba người chết, một người bị thương, các nạn nhân đều độ tuổi từ 16-22. Hay hai trường hợp học sinh ở huyện Tân Yên, Hiệp Hòa bị tử vong đúng vào ngày khai giảng năm học 2017- 2018 do bị xe máy đâm vào lúc qua đường là bài học cảnh báo đối với mỗi bậc phụ huynh, học sinh.
Tăng cường ngăn ngừa, xử lý vi phạm
Để giảm thiểu nguy cơ TNGT, mỗi tuần, Công an TP Bắc Giang triển khai từ 3- 5 ca tuần tra công khai kết hợp hóa trang vào buổi tối (từ 19 đến 22 giờ). Đơn vị bố trí tuần tra kết hợp ghi hình các trường hợp vi phạm để xử lý “nguội”. Với những trường hợp bị lập biên bản, Công an TP gửi thông báo vi phạm đến nơi cư trú, công tác, học tập của cá nhân đó để phối hợp giáo dục, tuyên truyền.
Cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát của công an các địa phương, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức tuyên truyền pháp luật ATGT và yêu cầu học sinh, phụ huynh ký cam kết không vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tuyên truyền ở nhiều địa phương chưa hiệu quả. Thầy giáo Nguyễn Hồng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Hòa số 1 cho biết: Hằng năm, nhà trường đều phối hợp với Công an huyện tổ chức tuyên truyền pháp luật ATGT cho giáo viên, học sinh và yêu cầu học sinh, phụ huynh ký cam kết không vi phạm. Tuy nhiên, do nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, sinh động nên hiệu quả chưa cao. Việc giám sát thực hiện cam kết, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường vẫn chưa thường xuyên. Điều đáng nói là, thay vì làm gương, không ít phụ huynh còn dung túng, giao xe máy cho con em điều khiển khi chưa đủ điều kiện.
Qua phân tích của lực lượng công an, số vụ TNGT liên quan đến người trong độ tuổi TTN chiếm khoảng 40% tổng số vụ và có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Do đó việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành ATGT trong TTN đang là vấn đề đặt ra. Theo Ban ATGT tỉnh, để góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong TTN, điều đầu tiên là trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho các em để điều chỉnh hành vi khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, đoàn thanh niên các cấp phát huy vai trò xung kích trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên. Các cơ sở đoàn, nhà trường quan tâm phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền, lực lượng công an đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, tránh tổ chức tập trung một vài buổi vào đầu năm học, sau bỏ mặc; trong khi có ký cam kết nhưng không kiểm tra, giám sát thường xuyên.