Ngày 2/11, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh, với mục đích nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn giao thông; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, tích cực xây dựng và hình thành văn hoá giao thông trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt góp phần giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; duy trì kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo đường thông, hè thoáng, đường sạch, đẹp, đảm bảo tầm nhìn cho các phương tiện tham gia giao thông để từng bước ngăn chặn nguyên nhân dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông, phát sinh tai nạn và ùn tắc giao thông bao gồm các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác, thi công công trình trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt.
Tăng cường đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt. Ảnh minh họa
Kế hoạch đưa ra một số nội dung thực hiện cụ thể như: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; rà soát trong việc xử lý, xử phạt các vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; các bước lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; phạm vi lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.
UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên đường tỉnh, đường huyện, đường nông thôn từ nguồn kinh phí quỹ bảo trì đường bộ địa phương và nguồn vốn xây dựng giao thông nông thôn. Đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần đường đúng quy định; phải có biện pháp ngăn chặn các vi phạm từ khi mới vi phạm và báo cáo theo quy định; tăng cường tham gia xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Cục Quản lý đường bộ III có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện các nội dung quy định; cắm bổ sung đầy đủ các mốc “đất của đường bộ”, “hành lang an toàn đường bộ” theo quy định.
UBND tỉnh Phú Yên giao Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt thuộc Công ty quản lý; hoàn thành các đường gom, hàng rào còn lại để phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch giải tỏa phù hợp; bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị phục vụ kế hoạch giải tỏa của UBND cấp huyện theo yêu cầu; cắm bổ sung mốc “phạm vi bảo vệ công trình đường sắt”, nhận bàn giao phạm vi đã được giải tỏa để quản lý.