Phạt “nguội” là hình thức xử phạt qua hệ thống camera giám sát giao thông được áp dụng tại Đắk Lắk gần 3 năm nay. Hình thức này đã và đang góp phần tăng tính răn đe, nâng cao ý thức tự giác của người đi đường. Tuy nhiên, số người vi phạm chấp hành nộp phạt chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Nhằm hạn chế việc lập chốt kiểm tra tại các tuyến phố, năm 2015, Phòng CSGT - Công an tỉnh triển khai kế hoạch xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại một số nút giao trọng điểm là cửa ngõ ra vào khu vực nội thành.
Cán bộ Phòng CSGT - Công an tỉnh theo dõi phương tiện vi phạm qua máy tính kết nối với hệ thống camera
Theo đó, hệ thống camera giám sát được đặt 3 vị trí trên đường Lê Duẩn, Hà Huy Tập (TP. Buôn Ma Thuột). Sau gần 3 năm triển khai giám sát trật tự an toàn giao thông bằng hệ thống này đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ người đến nộp phạt chỉ chiếm số nhỏ so với các trường hợp vi phạm được phát hiện.
Cụ thể, qua hệ thống camera giám sát, năm 2015, Phòng CSGT - Công an tỉnh phát hiện, gửi thông báo đến 2.953 trường hợp vi phạm, song chỉ có 412 người đến nộp phạt (tương đương 14%); năm 2016 phát hiện 4.061 trường hợp, chỉ có 1.216 người nộp phạt (30%); 10 tháng năm 2017 phát hiện 6.963 trường hợp, chỉ có 589 người nộp phạt (8,5%). Thậm chí, có những thời điểm, tỷ lệ người chấp hành nộp phạt chỉ hơn 8% đến 11% tổng số người vi phạm. Đơn cử như tháng 9/2017, CSGT gửi 1.245 giấy thông báo, chỉ có 105 trường hợp chấp hành (tương đương 8,4%); tháng 10/2017 gửi 1.708 giấy, chỉ có 191 trường hợp chấp hành (11%)…
Thực tế này không chỉ ở tỉnh ta mà là thực trạng chung của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước khi triển khai xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên? Theo phân tích của lực lượng chức năng, ngoài nguyên nhân chủ quan xuất phát từ người vi phạm cố tình không chấp hành còn có nhiều lý do khác dẫn đến tỷ lệ người bị phạt “nguội” không đến xử lý luôn ở mức cao. Trước hết, địa chỉ của chủ phương tiện không rõ ràng, cụ thể hoặc đã chuyển chỗ ở khác với chỗ đăng ký ban đầu dẫn tới khi cơ quan chức năng gửi giấy thông báo đến không đúng địa chỉ.
Đơn cử như trong số 6.963 trường hợp vi phạm được gửi thông báo của 10 tháng năm 2017, có đến 521 giấy báo bị trả lại do sai địa chỉ. Song, phổ biến nhất vẫn là tình trạng mua, bán xe không thực hiện sang tên đổi chủ, trong khi cơ quan chức năng thường căn cứ vào địa chỉ của người đăng ký phương tiện (đã bán xe) để gửi thông báo nộp phạt. Mặt khác, hiện nay chưa có quy định về chế tài xử lý đối với các trường hợp chây ì trong việc chấp hành phạt “nguội” qua hệ thống camera giám sát nên rất nhiều người vi phạm lợi dụng để trốn phạt.
Trung tá Huỳnh Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh cho biết, trong khi chưa có chế tài về xử lý người không chấp hành phạt “nguội”, Phòng đã thực hiện một số giải pháp để tăng hiệu quả xử lý đối với người vi phạm. Theo đó, những trường hợp vi phạm sẽ được gửi thông báo 2 lần, nếu vẫn chưa đến xử lý theo thời gian quy định, cán bộ, chiến sĩ sẽ gọi điện trực tiếp thông báo với người vi phạm. Với biện pháp trên, nếu người vi phạm vẫn chưa chấp hành, Phòng sẽ gửi danh sách biển kiểm soát phương tiện cho các tổ tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến đường để dừng xe kiểm tra, yêu cầu chủ phương tiện chấp hành nộp phạt. Đối với các trường hợp là phương tiện của HTX vận tải hành khách tuyến cố định hoặc taxi, Phòng thực hiện phân loại theo từng loại hình cụ thể, nếu xe của đơn vị nào vi phạm thì đề nghị doanh nghiệp nhắc nhở tài xế chấp hành nộp phạt, đồng thời cho doanh nghiệp ký cam kết không để tài xế, phương tiện do mình quản lý vi phạm.