Thời gian gần đây, tình trạng tai nạn giao thông (TNGT), vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn Yên Bái đã có chiều hướng giảm so với cùng kỳ. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 10 tháng của năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 145 vụ TNGT làm chết 38 người, 167 người bị thương (giảm 32 vụ, 41 người bị thương và 4 người chết so với cùng kỳ năm trước).
Lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn
người tham gia giao thông đi đúng phần đường, làn đường
Nguyên nhân dẫn đến TNGT, là do không chấp hành pháp luật giao thông như: điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe; uống rượu bia quá nồng độ cồn cho phép; phóng nhanh, vượt ẩu; không tập trung quan sát; đi, dừng đỗ xe sai làn đường...
Có lẽ, bất cứ người tham gia giao thông nào cũng đều không mong muốn để xảy ra TNGT nhưng ý thức chấp hành luật giao thông thì không phải ai cũng chấp hành tốt. TNGT hiện nay được người ta ví như thảm họa trên mỗi cung đường, tuyến phố. Biết vậy, nhưng khi tham gia giao thông, nhiều người lại không chấp hành tốt để hạn chế thảm họa này. Người có bằng lái, không có bằng lái cứ ra đường là phóng nhanh, chẳng hề quan sát, đặc biệt uống rượu bia đã say mèm nhưng vẫn lên xe phóng với tốc độ cao.
Thống kê cho thấy, phần lớn các vụ tử vong do TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia. Những ngày nghỉ, ngày lễ, số vụ TNGT luôn tăng cao hơn những ngày bình thường. Đặc biệt, trong các dịp tết, lễ hội, học sinh, sinh viên về nghỉ, dùng xe của bố mẹ chở ba, chở bốn, vừa đi vừa lạng lách, đánh võng, đầu không mũ bảo hiểm, chạy băng băng trên đường.
Một vấn đề không thể không nói đến là thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ. Mặc dù đã được siết chặt nhưng công tác đào tạo và cấp bằng lái xe đâu đó vẫn còn mang nặng tính hình thức, người đi học với mục tiêu có bằng để đối phó với công an là chính, chứ không phải để hiểu biết luật và kỹ năng lái xe. Không chỉ những người điều khiển xe máy mà cả điều khiển ô tô không chuyên nghiệp, hiểu biết Luật Giao thông đường bộ rất lơ mơ.
Chỉ nói riêng việc đi, đỗ, dừng đúng phần đường, làn đường thôi, vậy mà còn khá nhiều người tham gia giao thông không hiểu, không biết. Ở những thành phố đông đúc, lưu lượng xe dày đặc, mạng lưới giao thông phức tạp đã đành nhưng ở Yên Bái thì rất đơn giản, thế mà số người vi phạm lại rất nhiều.
Ngay tại khu vực đèn đỏ Km5, thành phố Yên Bái khi có đèn đỏ các phương tiện được phép rẽ phải, lực lượng chức năng cũng đã kẻ vạch ưu tiên rẽ phải. Làn trong cùng sát vỉa hè là làn đường chỉ dành cho các xe lưu thông rẽ phải, tiếp đến là làn đường dành cho người đi thẳng, kế tiếp là làn đường dành cho đi thẳng và rẽ trái.
Thế nhưng, người đi thẳng, người rẽ trái cứ ngang nhiên dừng, đỗ đợi đèn đỏ trên làn ưu tiên cho làn xe rẽ phải. Dừng đỗ như vậy người muốn rẽ phải không thể đi được và để rẽ phải được các phương tiện lại lấn làn vòng qua đầu các phương tiện đang dừng đỗ để đi thẳng hoặc rẽ trái gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra. Khi mới đi vào xử lý đi, dừng đỗ không đúng làn đường, lực lượng cảnh sát giao thông chủ yếu nhắc nhở và hướng dẫn luật đối với người tham gia giao thông.
Sau hơn 10 ngày nhắc nhở, hướng dẫn lực lượng cảnh sát giao thông đã bắt đầu xử lý các trường hợp vi phạm, chỉ trong vòng hơn 1 tháng đã nhắc nhở và xử lý trên 3.300 trường hợp vi phạm. Theo quan sát cho thấy, cứ vào đầu giờ sáng và cuối giờ tan tầm mỗi khi có đèn đỏ bật lên thì có ít nhất 5 trường hợp vi phạm.
Qua phỏng vấn cho thấy, phần lớn trường hợp vi phạm không biết luật. Chính vì không hiểu biết Luật Giao thông đường bộ nên có không ít người điều khiển phương tiện giao thông rất "ngại" khi gặp cảnh sát giao thông. Chính vì "ngại" nên họ tìm cách né tránh, hay vô thức bỏ chạy khi bị cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng phương tiện. Qua đó cho thấy, việc chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông quá kém, thiếu ý thức, coi thường tính mạng của mình và của những người cùng tham gia giao thông. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân của việc lấn chiếm lòng lề đường, hành lang làm nơi buôn bán che khuất tầm nhìn.
Nhằm hạn chế tối đa TNGT, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và của toàn xã hội, mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy ý thức và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Đối với những người tham gia giao thông chưa thực sự hiểu biết luật cũng cần tự học để nâng cao trình độ hiểu biết vừa để tham gia giao thông an toàn vừa tránh bị xử lý vi phạm về những lỗi không đáng có.