Bằng những giải pháp khéo léo trong vận động xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn, huyện Thoại Sơn, An Giang đã gặt hái được thành công khi nhiều cây cầu kiên cố được dựng lên, tiếp sức cho huyện về đích nông thôn mới (NTM). Mỗi chiếc cầu là câu chuyện về tấm lòng của những nhà hảo tâm, sự chung tay, góp sức của người dân địa phương vì sự phát triển của vùng đất ông Thoại.
Nối nhịp bờ vui
Để đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017 theo lộ trình của huyện Thoại Sơn, những năm qua, xã Định Thành luôn chú trọng xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn. Đến nay, 3 tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện với tổng chiều dài 8,1km đã được láng nhựa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải, các tuyến đường liên ấp, đường nội đồng cũng được láng nhựa hoặc đổ bê-tông, đổ đá cấp phối và rải cát đạt chuẩn.
Những chiếc cầu nâng bước nông thôn mới
Cùng với việc phát triển đường, UBND xã Định Thành còn quan tâm xây dựng cầu giao thông nông thôn. Hiện nay, xã quản lý 12 cây cầu, trong đó đã sửa chữa mới 1 cây cầu gỗ tại kênh H vào năm 2017, vận động Nhân dân đóng góp kinh phí và hơn 100 ngày công lao động để duy tu, sơn mới 6 cây cầu tuyến ĐH78. Qua rà soát, vẫn còn 1 cây cầu giáp ranh xã Định Thành (huyện Thoại Sơn, An Giang) với xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ) đang xuống cấp. Do vậy, xã đã lập tờ trình xin chủ trương của UBND huyện Thoại Sơn cho xây dựng và vận động các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân đóng góp. Cầu được đặt tên Hồ Văn Thân (Sáu Phân) với kết cấu bê-tông cốt thép, dài 23,5m, rộng 4m, khoảng ngang thông thuyền 9m, khoảng đứng thông thuyền 4m. “Trong tổng kinh phí 358 triệu đồng xây dựng cầu, tiệm vàng Trí Thành (TP. Long Xuyên) ủng hộ 200 triệu đồng, Quỹ tín dụng nhân dân Mỹ Phước hỗ trợ 20 triệu đồng, phần còn lại do cán bộ và Nhân dân xã Định Thành đóng góp. Cầu đã được khánh thành, đưa vào sử dụng vào giữa tháng 11 vừa qua trong niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương” - ông Phan Văn Mỹ, Chủ tịch UBMTTQVN xã Định Thành, thông tin.
Ông Trần Phước Chí, ngụ xã Định Thành, một trong những người dân tham gia xây dựng cầu cho biết, để hoàn thành cây cầu trong điều kiện mưa bão, mọi người đều rất nỗ lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm. “Thấy có nguồn kinh phí xây dựng cầu mới, thay thế cây cầu cũ đã xuống cấp, bà con vui lắm. Ai cũng muốn đóng góp công sức để công trình sớm hoàn thành” - ông Chí phấn khởi. Anh Võ Quang Linh, người dân xã Thạnh An, thêm vào: “Thấy mấy cháu học sinh qua lại an toàn, bao nhiêu vất vả khi xây cầu như được đền đáp. Cây cầu sẽ tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển thương mại giữa xã Định Thành và xã Thạnh An nói riêng, huyện Thoại Sơn và huyện Vĩnh Thạnh nói chung”.
Huy động nhiều nguồn lực
Mặc dù có thời gian thi công lâu hơn, kinh phí khá lớn nhưng bù lại, những cây cầu bê-tông cốt thép có tuổi thọ trên 50 năm, độ an toàn cao hơn rất nhiều so với cầu gỗ, cầu dây văng. Cầu bê-tông cũng cho phép xe có tải trọng lớn hơn lưu thông, thúc đẩy kinh tế phát triển về lâu dài. Do vậy, chủ trương của huyện Thoại Sơn là vận động xây dựng cầu bê-tông, dần thay thế cầu gỗ, cầu sắt. Tuy nhiên, do kinh phí lớn nên ngoài huy động nguồn lực trong Nhân dân, các địa phương trên địa bàn huyện còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở các địa phương khác. Mỗi cây cầu hoàn thành, địa phương đều công khai, minh bạch kinh phí đóng góp, chi phí xây dựng nên luôn được các Mạnh Thường Quân tin tưởng, ủng hộ. Những nhà tài trợ lớn cho huyện có thể kể đến Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang (Tri Tôn), tiệm vàng Kim Hương, tiệm vàng Trí Thành (TP. Long Xuyên)… Các doanh nghiệp, chùa, tịnh thất, hội từ thiện ngoài tỉnh cũng nhiệt tình ủng hộ, góp phần vào mục tiêu đạt huyện NTM của Thoại Sơn vào năm 2020.
Không chỉ các xã trong lộ trình đạt NTM năm 2017 tăng tốc về đích, các xã nằm trong kế hoạch 2018-2020 nỗ lực không kém bởi mỗi cây cầu vững chãi được xây dựng, địa phương càng có điều kiện phát triển kinh tế. Điển hình như ở xã Vĩnh Chánh, dù giáp với thị trấn Phú Hòa nhưng điều kiện còn nhiều khó khăn. Được nguồn ngân sách huyện hỗ trợ 97 triệu đồng, địa phương đã vận động Chi hội Từ thiện Vũ Thụy (TP. Hồ Chí Minh) ủng hộ 100 triệu đồng, chùa Liên Hoa (xã Vĩnh Chánh) hỗ trợ 50 triệu đồng, vận động các nhà hảo tâm và Nhân dân đóng góp thêm để đủ kinh phí gần 340 triệu đồng xây dựng cầu Hậu I. Cầu dài 20m, rộng 4,5m, kết cấu bê-tông cốt thép, được hoàn thành sau hơn 2 tháng thi công. UBND xã Vĩnh Chánh cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương đã vận động xây dựng được 3 cây cầu bê-tông, một nỗ lực rất đáng ghi nhận.
Cũng là địa phương giáp với thị trấn Phú Hòa nhưng điều kiện đi lại của người dân xã Phú Thuận khó khăn hơn do sông, rạch chằng chịt. Do vậy, ưu tiên hàng đầu của xã là xây dựng cầu bê-tông nối liền các tuyến đường nông thôn. Mới đây, địa phương đã khánh thành cầu Nguyễn Văn Lăng, công trình có chi phí xây dựng trên 400 triệu đồng. Trong đó, tiệm vàng Trí Thành tài trợ 200 triệu đồng, số còn lại do ngân sách huyện cùng các Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm, người dân trong và ngoài xã Phú Thuận đóng góp.