Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận 3.100 bệnh nhân đến cấp cứu, trong đó có 870 nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Kiểm tra sức khỏe bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái
Đã gần 1 tháng trôi qua nhưng đến giờ ông Vũ Tiến Dũng ở thôn 5, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến ông bị chấn thương sọ não. Hôm đó, khi đi làm từ xưởng ván bóc về nhà bằng xe máy, ông đã va chạm khá mạnh với một xe máy khác đi ngược chiều. Những ngày đầu mới nhập viện, ông Dũng luôn trong tình trạng hôn mê nhưng được các bác sỹ, điều dưỡng tận tình chăm sóc hiện đã dần hồi phục.
Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận 3.100 bệnh nhân đến cấp cứu, trong đó có 870 nạn nhân bị TNGT. Điều đáng nói, trong số các trường hợp bị TNGT thì có tới gần 45% bị chấn thương sọ não ở các mức độ khác nhau, còn lại là các trường hợp đa chấn thương với độ tuổi chủ yếu từ 20 - 60 tuổi.
Anh Lò Quang Hiệp - điều dưỡng trưởng Khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: "Bệnh nhân bị TNGT được đưa vào cấp cứu với nhiều chấn thương khác nhau nhưng chủ yếu là chấn thương sọ não, chấn thương tứ chi, đa chấn thương. Sau khi được cấp cứu, tiếp nhận vào Khoa Chấn thương, các bác sỹ tiến hành phân loại, xem xét can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật với những trường hợp cần thiết hoặc cho vào các buồng bệnh điều trị”.
Qua đánh giá của Ban ATGT tỉnh Yên Bái, các trường hợp bị TNGT ngay khi được chuyển đến Bệnh viện đều được cấp cứu, điều trị kịp thời, đúng quy trình và xử lý những đe dọa tính mạng ban đầu. Để kịp thời cứu chữa nạn nhân TNGT, hàng năm, Bệnh viện đã kiện toàn bộ phận xử lý chẩn đoán bệnh nhân bị TNGT với đội ngũ bác sỹ được đào tạo bài bản, có chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức tốt việc sơ cứu và chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp TNGT bị chấn thương nặng; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cấp cứu 24/24 giờ; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền những tác hại của của TNGT đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám điều trị.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: "Trong mỗi khoa, phòng, đơn vị đều có bộ phận làm truyền thông, tuyên truyền về những tác hại, hậu quả của TNGT để nhắc nhở, phổ biến cho người dân tham gia giao thông an toàn. Ngoài ra, chúng tôi cũng lồng ghép tuyên truyền ATGT trong các cuộc khám sức khoẻ định kỳ ở tuyến dưới”.
Theo nghiên cứu, công tác sơ cứu ban đầu có thể giảm từ 10 -15% số người chết do TNGT. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, 50% tử vong do chấn thương xảy ra tức thì tại nơi tai nạn; 30% xảy ra trong 3 - 4 giờ đầu và chỉ có 20% xảy ra trong giai đoạn điều trị trong bệnh viện. Vì vậy, việc làm tốt công tác cấp cứu ban đầu và kịp thời điều trị cho các bệnh nhân của Bệnh viện sẽ góp phần giảm được nhiều nhất tử vong và thương tật do chấn thương cho người bị TNGT.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, tình hình TTATGT đang có chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương song TNGT cũng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người và khiến hàng trăm người bị thương. Chính vì thế, cách tốt nhất để bảo vệ mình khỏi hiểm họa TNGT thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức của mình trong việc chấp hành pháp luật ATGT.