Chiều 27/12, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị để đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Quảng Ngãi tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kiềm chế TNGT (Ảnh minh họa)
Theo Ban an toàn giao thông tỉnh Quảng Ngãi, tình hình TTATGT trong năm 2017 của Quảng Ngãi tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Trong năm, toàn tỉnh xảy ra 594 vụ, làm chết 142 người, bị thương 738 người. So với năm 2016, giảm 42 vụ (giảm 6,6%), giảm 18 người chết (giảm 11,25%), giảm 90 người bị thương (giảm 10,87%). Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 591 vụ, và tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 02 vụ, chết 02 người. Nguyên nhân tai nạn giao thông là do phương tiện giao thông ngày càng tăng (toàn tỉnh hiện có 654.903 xe mô tô, xe gắn máy và 24.661 xe ô tô); người điều khiển phương tiện giao thông chưa ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đi không quan sát (chiếm 26% số vụ tai nạn), đi không đúng phần đường, làn đường (chiếm 20%), vi phạm tốc độ quy định (chiếm 10%),...
Để đạt được mục tiêu kiềm chế, giảm TNGT trong năm 2018 từ 5-10% so với năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến như: Tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đề ra. Tiếp tục chỉ đạo triển khai Chỉ thị 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, của các cấp chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT. Hai ngành Công an và Giao thông vận tải tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; trong đó phân công trách nhiệm vụ thể đối với tổ chức, cá nhân phụ trách địa bàn trong quá trình thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, kiểm định, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương với ngành đường sắt để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ công trình giao thông đường sắt, không để phát sinh đường ngang trái phép và phải có lộ trình cụ thể để xóa bỏ đường ngang trái phép này.